📞

Mỹ thành lập Liên minh Chuỗi bán lẻ toàn cầu

21:49 | 24/10/2017
Hiệp hội các nhà bán lẻ Mỹ vừa công bố việc thành lập Liên minh Chuỗi bán lẻ toàn cầu nhằm cứu vớt các thỏa thuận thương mại tự do đang có nguy cơ đổ vỡ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Mục đích của việc thành lập liên minh này là tổ chức các cuộc gặp tại Quốc hội, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) và Bộ Thương mại để trao đổi với các chính khách, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ về tầm quan trọng và mối liên hệ giữa chuỗi bán lẻ toàn cầu với những việc làm mà chuỗi bán lẻ này mang lại cho nước Mỹ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Tại lễ công bố vào cuối tuần qua, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Mỹ cho rằng, các chuỗi giá trị toàn cầu mà nền tảng chính là những thỏa thuận thương mại tự do đã làm tăng giá trị của việc làm tại Mỹ từ 70 - 75%, nhất là trong các lĩnh vực ngành nghề như hậu cần, thiết kế, phân phối, quản lý và tiếp thị. 

Hiệp hội Các nhà bán lẻ Mỹ bao gồm Hiệp hội Giày dép Mỹ, Liên đoàn Bán lẻ quốc gia, Hiệp hội Các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp bán lẻ, Hiệp hội Công nghiệp thời trang Mỹ, các tập đoàn bán lẻ và phân phối lớn của Mỹ như Gap, Macy's...

Theo hiệp hội, các thỏa thuận thương mại như Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã giúp cho nước Mỹ có một thị trường phát triển nhanh và việc rút khỏi NAFTA sẽ gây phương hại cho các nhà bán lẻ của Mỹ.

Hiệp hội này cũng thừa nhận việc thông tin để có thể làm thay đổi suy nghĩ của các nhà hoạch định chính sách trong chính quyền Tổng thống Trump hiện nay là khó khăn, song hiệp hội vẫn quyết tâm thúc đẩy. 

Trong một diễn biến liên quan, ngày 22/10, mạng tin Inside US Trade dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Ngoại thương quốc gia Mỹ Rufus Yerxa, cho rằng những đề xuất của Mỹ về việc đàm phán lại NAFTA không khác gì việc Washington "mặc nhiên rút khỏi" thỏa thuận. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả là làm giảm sự cạnh tranh của khu vực Bắc Mỹ, mang lại "lợi thế khổng lồ" cho các đối thủ cạnh tranh đến từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Theo ông Yerxa, đề xuất mới với việc đặt ra những đòi hỏi cao sẽ khiến giá xe hơi sản xuất tại Bắc Mỹ cao hơn vào thời điểm mà Mỹ không chỉ lo ngại về sự cạnh tranh truyền thống của Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU) mà còn cả từ Trung Quốc - một nhà sản xuất ôtô lớn. Nếu Mỹ tiếp tục thúc đẩy theo hướng làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế Bắc Mỹ và Mỹ, trong khi các nước đều thúc đẩy thương mại thì đây sẽ là một "món quà lớn" mà Mỹ dành tặng cho các đối thủ. 

Được biết, trong đàm phán lại NAFTA, USTR đã đưa ra đề xuất về nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất ôtô, theo đó yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa là 50%. Giới phân tích nhận định đề xuất này có thể thúc đẩy các nhà sản xuất xe hơi Mỹ, song lại tác động tới chuỗi cung ứng, khiến hoạt động sản xuất bị dịch chuyển sang châu Á.

(theo TTXVN)