TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cam kết cải thiện quan hệ | |
Đức cân nhắc đưa quân ra khỏi căn cứ Incirlik |
Trong hai ngày 16-17/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thực hiện chuyến thăm Mỹ. Đây là chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ và được coi là cơ hội hàn gắn quan hệ giữa hai nước sau những căng thẳng kéo dài.
Quan hệ "nổi bật" Mỹ - Thổ
Tại cuộc gặp ở Nhà Trắng với người đồng cấp Mỹ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã ca ngợi mối quan hệ "nổi bật" với Mỹ và nhấn mạnh Mỹ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với hòa bình và ổn định trên toàn cầu. Tổng thống Erdogan đã ngừng chỉ trích trực tiếp việc Washington cung cấp vũ khí cho nhóm vũ trang người Kurd ở Syria, song nhấn mạnh Ankara sẽ không chấp nhận sự hiện diện của các đơn vị người Kurd trong khu vực. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ sẵn sàng hợp tác với Mỹ chống lại các nhóm khủng bố trong khu vực.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Trump nhấn mạnh hai nước "có mối quan hệ tuyệt vời và sẽ làm cho nó tốt đẹp hơn", đồng thời tuyên bố Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và đảng Công Nhân người Kurd (PKK). Ông Trump cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với mọi nỗ lực giảm thiểu bạo lực tại Syria để hướng đến một giải pháp hòa bình. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ cho biết các trang thiết bị quân sự mà phía Thổ Nhĩ Kỳ đặt hàng sẽ được chuyển giao trong thời gian sớm nhất.
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều kêu gọi xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ giữa hai nước đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đồng thời cam kết sẽ hàn gắn quan hệ song phương, bất chấp những khác biệt còn tồn đọng hiện nay. Hai bên cũng nhất trí sẽ hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, thương mại, kinh tế.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Mỹ Donald Trump họp báo sau hội đàm. (Nguồn: Getty) |
Đồng minh không tách rời
Quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ được thiết lập từ nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng kể từ sau khi xảy ra cuộc đảo chính bất thành của một nhóm trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2016. Sau khi nhanh chóng đập tan cuộc đảo chính quân sự ngày 15/7 và củng cố quyền lực, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức tiến hành chiến dịch thanh lọc với việc bắt giữ và sa thải hàng trăm nghìn binh sĩ, cảnh sát, thẩm phán, giáo viên và viên chức nhà nước…
Trong chiến dịch thanh lọc này, chính quyền Tổng thống Erdogan đã đưa ra yêu cầu đối với Mỹ về việc dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ - nhân vật bị Ankara cáo buộc là chủ mưu cuộc đảo chính quân sự bất thành, về nước để xét xử. Tuy nhiên, phía Mỹ đã từ chối yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ và cho rằng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ phải cung cấp đầy đủ bằng chứng cho thấy giáo sĩ Gulen dính dáng đến cuộc đảo chính. Ngày 25/7, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã tuyên bố quan hệ giữa nước này với Mỹ sẽ bị tác động nếu Washington không dẫn độ giáo sĩ Gulen.
Giáo sĩ Fethullah Gulen, hiện sinh sống tại Mỹ, là nhân vật khiến Ankara mâu thuẫn với Washington. (Nguồn: EPA) |
Mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ càng trở nên căng thẳng hơn khi ngày 9/5 vừa qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định cung cấp vũ khí cho lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria, vốn bị chính quyền Ankara coi là khủng bố. Ngày 10/5, Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ chấm dứt chính sách cung cấp vũ khí cho YPG tại Syria, nhấn mạnh rằng "không thể chấp nhận" việc một đồng minh NATO hậu thuẫn nhóm mà chính quyền Ankara coi là phiến quân.
Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng, dù còn tồn tại những bất đồng song Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ vẫn cam kết tạo “năng lượng mới” cho quan hệ song phương, bởi cả Ankara và Washington đều đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực cùng nhau giải quyết những thách thức chung đang đối mặt, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an ninh trước mối đe dọa khủng bố.
Với vị trí địa chiến lược quan trọng, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép các lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu sử dụng căn cứ không quân Incirlik gần biên giới Syria để tiến hành các chiến dịch không kích chống IS và đã mang lại nhiều hiệu quả. Ngay cả khi hai bên còn những bất đồng sâu sắc trên mặt trận chống IS ở Syria, tầm quan trọng về địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khiến Mỹ không thể bỏ qua.
Vì vậy, tại cuộc gặp với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim bên lề một hội nghị quốc tế diễn ra ở thủ đô London của Anh mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố sẽ bảo vệ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có việc thắt chặt an ninh tại khu vực biên giới phía Nam của nước này, tiếp giáp với Syria. Đồng thời, người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng khẳng định những bất đồng giữa hai nước sẽ dần được giải quyết.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara luôn coi chính quyền của Tổng thống Trump là một khởi đầu mới, là cơ hội lớn để tăng cường hợp tác song phương và đang đặt ra hy vọng cao hơn với chính quyền mới của Mỹ sau nhiều năm theo đuổi sự ủng hộ từ chính quyền của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama.
Nỗ lực vì một nền hòa bình Syria Biên bản ghi nhớ được Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ký kết ngày 4/5 tại Kazakhstan về thiết lập vùng an toàn ở Syria ... |
Thổ Nhĩ Kỳ sa thải gần 4.000 công chức Ngoài việc sa thải số công chức trên, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã áp lệnh cấm chiếu các chương trình hẹn hò trên truyền ... |
EU chưa thể tiếp tục đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU - bà Federica Mogherini ngày 28/4 thừa nhận tiến trình ... |