Ảnh minh họa. (Nguồn: blogspot.com) |
Theo đó, lệnh trừng phạt cấm các chính phủ và các công ty tư nhân bán vàng cũng như các kim loại quý khác cho Nhà nước, các tổ chức tư nhân và công dân Iran, trong nỗ lực gây sức ép lên nước này trong việc hạn chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi.
Ông Cohen cho biết lượng vàng bán cho Iran đã tăng lên sau khi đồng tiền của nước này mất giá mạnh, do người dân Iran đã chọn cách mua vàng để bảo vệ giá trị tài sản của họ. Mỹ đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, các nước láng giềng của Iran và là các trung tâm lớn về giao dịch vàng, cũng như các nước khác sẽ phải dừng bán vàng cho Iran kể từ thời hạn trên.
Ông Cohen cũng nói chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục tìm kiếm các biện pháp nhằm cô lập Iran khỏi hệ thống tài chính quốc tế, mà cụ thể, Mỹ đang xem xét những biện pháp có thể làm tăng sức ép lên đồng tiền của Iran.
Thứ trưởng Cohen và một quan chức cấp cao khác là Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị Wendy Sherman khẳng định, các biện pháp trừng phạt đã có tác động lớn đến Iran khi làm hoạt động xuất khẩu dầu mỏ bị thiệt hại khoảng 3-5 tỷ USD/tháng và khiến nền kinh tế giảm tới 8% trong năm ngoái.
14 trong số 20 nước nhập khẩu dầu mỏ của Iran đã dừng mua dầu của nước này, trong khi 6 nước còn lại đã giảm đáng kể lượng dầu nhập từ Iran, và Mỹ đang tiếp tục gây sức ép với các nước này trong việc giảm lượng dầu nhập khẩu hơn nữa.
Đồng rial của Iran mất 2/3 giá trị so với đồng USD kể từ cuối năm 2011, do các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào hệ thống ngân hàng và hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran, liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.
Đồng rial đã giảm giá xuống 36.000 rial/USD trên thị trường mở, so với mức 16.000 rial/USD vào đầu năm 2012, khiến Ngân hàng Trung ương Iran phải thắt chặt nguồn cung ngoại tệ và đẩy lạm phát lên trên mức 30%.
Mỹ sẽ gia tăng sức ép lên các nguồn ngoại tệ của Iran, trong đó có xuất khẩu dầu mỏ, điều sẽ mang tới cơ hội lớn để có thể buộc nước này phải có những nhượng bộ./.
Theo TTXVN