📞

Mỹ tiếp tục có động thái mới liên quan tới Biển Đông, Australia sẽ hành động gì tiếp theo?

Thế Việt 14:50 | 17/07/2020
TGVN. Quân đội Mỹ lên kế hoạch triển khai một đơn vị tác chiến điện tử tới Biển Đông, động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm gây sức ép với Trung Quốc sau khi Washington tuyên bố các yêu sách của Bắc Kinh là "hoàn toàn bất hợp pháp".
Các tàu Mỹ và Australia cùng tham gia cuộc tập trận ở Biển Đông hồi tháng 4. (Nguồn: US Navy)

Cụ thể, 2 đơn vị đặc biệt sẽ được triển khai đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào đầu năm 2021, để điều hành nhiều lĩnh vực khác nhau từ chiến tranh điện tử và chiến tranh mạng đến tấn công mục tiêu chính xác bằng tên lửa. Ít nhất một trong hai đơn vị này sẽ được bố trí quanh Biển Đông.

Cựu Phó Tham mưu trưởng quân đội Mỹ, Tướng Jack Keane cho rằng, làm gián đoạn hoạt động liên lạc quân sự của Trung Quốc thông qua chiến thuật "đánh lừa" sẽ là một biện pháp hiệu quả đối với các trường hợp khẩn cấp ở Biển Đông.

Ông Keane cũng cho biết, Mỹ tin rằng, chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) mang lại cho Trung Quốc một lợi thế cạnh tranh. Do đó, Mỹ phải chắc chắn "có một khả năng răn đe hiệu quả tại Biển Đông và các tên lửa tầm xa là một phần trong chiến lược của Mỹ".

Theo ông Keane, Mỹ và các đối tác phải hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực khác nhau để có thể đánh bại các hệ thống của Trung Quốc. Một trong các cách là thông qua các công nghệ để có thể đánh lừa các thiết bị định vị được gắn trên vũ khí Trung Quốc rằng các tên lửa sẽ tiến về phía tàu sân bay hoặc tàu chiến của Trung Quốc song trên thực tế các tên lửa lại hướng về một mục tiêu khác ở cách mục tiêu giả từ 1/2 dặm trở lên.

Nếu việc tiếp cận Biển Đông trở nên bất khả thi, quân đội Mỹ có kế hoạch đáp trả bằng các cuộc tấn công bằng tên lửa từ xa.

Trong khi đó, trao đổi với trang tin Nine.com.au, ngày 16/7, Tiến sĩ Lê Thu Hương, Chuyên gia phân tích cao cấp tại Viện Chính sách chiến lược Australia nhận định, Chính phủ Australia sẽ hỗ trợ Washington, có thể bao gồm cả triển khai quân sự, trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Kinh leo thang ở Biển Đông.

Bà Hương cho rằng: "Mỹ muốn được các nước láng giềng và đồng minh ủng hộ trong ngoại giao... Một số nước cho rằng, Australia cần đẩy mạnh và tích cực hơn trong việc ủng hộ Mỹ".

Bà Hương nhấn mạnh, việc ủng hộ Mỹ phù hợp với sự phản đối lâu nay của Australia đối với các yêu sách của Trung Quốc. Trở lại năm 2016, Chính phủ Liên bang đã ủng hộ tòa án quốc tế ra phán quyết đứng về phía Philippines chống lại tuyên bố của Trung Quốc, rằng nước này có các tuyên bố chủ quyền lịch sử và kinh tế đối với phần lớn khu vực Biển Đông.

Đặc biệt, thời gian gần đây, quan hệ Australia-Trung Quốc đã bị “đóng băng” do Canberra thúc đẩy một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, các tranh chấp thương mại song phương và đàn áp an ninh ở Hong Kong.

Trước đây, mặc dù Australia đã tổ chức riêng các cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông, song không theo Mỹ tổ chức các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) bao gồm điều các lực lượng hải quân đi qua vùng biển này. Bà Hương cho rằng, vấn đề này bây giờ có thể được xem xét lại, do "chúng ta đang ở trong một thời điểm căng thẳng và quân sự hóa hơn".

(theo Nikkei, Nine)