Bức ảnh chụp cây cầu nối Nga với bán đảo Crimea. Ngày 23/12/2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khánh thành cây cầu đường sắt đến Crimea, dài nhất châu Âu. (Nguồn: AP) |
Theo thông báo trên trang web của Bộ Tài chính Mỹ, các biện pháp trừng phạt này phong tỏa tài sản nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ, đồng thời cấm các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ giao dịch với những đối tượng bị trừng phạt trên.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng được áp đặt đối với công ty đường sắt tư nhân có trụ sở tại Nga Grand Services Express cung cấp dịch vụ giữa Nga và Crimea, cũng như Giám đốc điều hành (CEO) của công ty này.
Phản ứng lại tuyên bố trừng phạt này, Đại sứ quán Nga tại Mỹ ra thông báo nêu rõ: “Lệnh trừng phạt sẽ không thay đổi chính sách của Nga. Các tác giả của những hạn chế đó sẽ chỉ làm tổn hại lợi ích của chính nước Mỹ".
Khẳng định Mỹ không chấp nhận "những thành công của Nga tại Crimea" như thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn để triển khai các tuyến đường bộ, đường sắt đến bán đảo, Đại sứ quán Nga cho rằng: "Washington tin rằng, thông qua các biện pháp hạn chế, họ sẽ có thể làm suy yếu những thay đổi tích cực ở Crimea kể từ khi thống nhất với Nga".
"Họ đang cố gắng phá hoại việc củng cố chính quyền địa phương đang diễn ra ở đó", Đại sứ quán Nga tại Mỹ nhấn mạnh.