📞

Mỹ: Tổng thống Biden đánh giá cao kế hoạch 'siêu địa điểm' của Intel

Mai Anh 17:26 | 22/01/2022
Khoản đầu tư 20 tỷ USD của Intel là bước đi đầu tiên để hướng tới một “siêu địa điểm” tại Mỹ, nơi có tới 8 nhà máy sản xuất chip trị giá 100 tỷ USD.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 21/1, Tổng thống Joe Biden ngày 21/1 đã đánh giá cao kế hoạch của Intel chi 20 tỷ USD cho một cơ sở sản xuất chất bán dẫn mới tại nước Mỹ.

Tổng thống Biden gọi đây là một khoản đầu tư thực sự mang tính lịch sử đối với kinh tế Mỹ và người lao động Mỹ giữa bối cảnh tình trạng thiếu chip toàn cầu khiến làn sóng lạm phát đè nặng lên nền kinh tế Mỹ.

Khoản đầu tư 20 tỷ USD nói trên là một trong những khoản đầu tư lớn nhất vào hoạt động sản xuất chất bán dẫn trong lịch sử nước này.

Giám đốc điều hành của Intel Pat Gelsinger trước đó cùng ngày đã thông báo sẽ đầu tư 20 tỷ USD vào hai nhà máy mới ở bang Ohio để sản xuất chip tiên tiến. Đây là bước đi đầu tiên để hướng tới một “siêu địa điểm”, nơi có tới 8 nhà máy sản xuất chip trị giá 100 tỷ USD.

Kế hoạch đầu tư của Intel dự kiến tạo ra 3.000 việc làm cố định và 7.000 công việc xây dựng trên khu đất rộng 1.000 mẫu Anh (1 mẫu = 0,4 ha) ở Hạt Licking, ngay bên ngoài Columbus. (Nguồn: Dispatch)

Kế hoạch đầu tư này dự kiến tạo ra 3.000 việc làm cố định và 7.000 công việc xây dựng trên khu đất rộng 1.000 mẫu Anh (1 mẫu = 0,4 ha) ở Hạt Licking, ngay bên ngoài Columbus.

Trong một thông báo, ông Gelsinger cho biết, các nhà máy này sẽ tạo ra một “trung tâm” mới cho ngành sản xuất chip tiên tiến ở Mỹ, góp phần thúc đẩy dây chuyền từ phòng thí nghiệm đến xưởng sản xuất trong nước của Intel.

Intel đang thúc đẩy triển khai kế hoạch mở rộng của Intel, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ, trong bối cảnh hãng này tìm cách tăng cường sự cạnh tranh với các đối thủ toàn cầu và ứng phó với tình trạng thiếu chip trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng các nhà máy mới của Intel sẽ chưa thể giải quyết nhu cầu hiện nay, bởi các khu sản xuất phức hợp như vậy phải mất nhiều năm để xây dựng. Trước đó, ông Gelsinger đưa dự báo tình trạng thiếu chip sẽ kéo dài đến năm 2023.

Tổng thống Biden đang thúc giục các nhà chế tạo đưa hoạt động sản xuất trở lại nước Mỹ, quốc gia từng đi đầu trong việc chế tạo chip cho mọi sản phẩm điện tử, từ máy hút bụi, tivi cho đến ô tô. Với đại dịch làm nổi bật sự phụ thuộc của ngành công nghiệp vào các sản phẩm nhập khẩu, các chính phủ, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu, đã tập trung vào việc đảm bảo nguồn cung chất bán dẫn sau nhiều năm ngành sản xuất này chuyển sang các nước châu Á có chi phí thấp hơn.

Chính quyền của Tổng thống Biden muốn đầu tư 52 tỷ USD vào nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn trong nước. Thượng viện đã thông qua dự luật chi tiêu này vào năm ngoái, nhưng dự luật này vẫn cần được Hạ viện thông qua.

(theo TTXVN)