📞

Mỹ-Trung chơi 'ván cờ ngoại giao', Bắc Kinh lên kế hoạch trả đũa Washington

Lan Phương 11:15 | 24/07/2020
TGVN. Ngày 23/7, Bắc Kinh một lần nữa đe dọa sẽ có “các phản ứng cần thiết” đối với Washington sau khi Mỹ yêu cầu đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston. Tuy nhiên, quốc gia đông dân này không tiết lộ cơ quan nào của Mỹ tại Trung Quốc sẽ bị đóng cửa sau động thái này.
Nhân viên an ninh Trung Quốc bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Theo Nikkei Asian Review, Mỹ và Trung Quốc đang chơi một “ván cờ ngoại giao” khi cả hai bên đều đang tính toán thiệt hơn trong các nước đi tiếp theo.

Về phía Washington, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ “luôn luôn có khả năng” yêu cầu đóng cửa thêm các Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Mỹ. Ngoài Houston, Trung Quốc còn đặt Tổng lãnh sự quán ở San Francisco, Los Angeles, Chicago và New York, bên cạnh Đại sứ quán ở Washington.

Ngày 23/7, Tổng biên tập Hồ Tích Tiến của tờ Global Times đã đăng trên trang Twitter cá nhân rằng: “Trung Quốc sẽ công bố biện pháp trả đũa vào ngày 24/7 theo giờ Bắc Kinh. Một tổng lãnh sự quán của Mỹ tại Trung Quốc sẽ được yêu cầu đóng cửa”. Người đứng đầu của Global Times nêu rõ, Trung Quốc buộc phải thực hiện những biện pháp trả đũa này, nếu không sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, Mỹ có một đại sứ quán ở Bắc Kinh và duy trì các lổng lãnh sự quán ở Thành Đô, Vũ Hán, Thượng Hải, Quảng Châu và Thẩm Dương, cũng như hai tổng lãnh sự quán ở đặc khu Macau và Hong Kong.

Yun Sun, nhà nghiên cứu tại viện chính sách Trung tâm Stimson có trụ sở ở Washington trả lời Nikkei Asian Review rằng: “Việc đóng cửa Tổng lãnh sự quán ở Houston là chưa từng xảy ra. Nhiều diễn biến gần đây cũng chưa từng có tiền lệ”.

Tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin vào ngày 23/7 rằng, mục tiêu trả đũa hàng đầu của Trung Quốc sẽ là Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô-thành phố nằm ở phía Tây Nam Trung Quốc. Theo South China Morning Post, Tổng lãnh sự quán tại Thành Đô có tầm quan trọng chiến lược khi giữ vị trí bao quát mọi hoạt động ở vùng Tây Nam của Trung Quốc, bao gồm Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, khu tự trị Tây Tạng và Trùng Khánh.

Học giả Yun Sun lưu ý rằng, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Vũ Hán đã đóng cửa và dự kiến ​​sẽ không mở cửa trở lại trong thời gian tới. "Vì vậy, số lượng tổng lãnh sự quán của hai nước sẽ bằng nhau, không bao gồm cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ ở Hong Kong. Nếu Trung Quốc muốn đáp trả và đóng cửa một Tổng lãnh sự quán khác của Mỹ, Washington có thể sẽ tiếp tục các hành động trả đũa tiếp theo”.

Giới phân tích tại xứ sở cờ hoa đã chỉ ra rằng, so với Houston, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco là một trung tâm quan trọng hơn để thu thập thông tin tình báo, và cơ quan ngoại giao đặt tại bang California này có thể là mục tiêu tiếp theo của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Bên cạnh đó, Tổng lãnh sự quán San Francisco lại càng thu hút sự chú ý hơn nữa khi dính líu vào cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ mới đây về việc chứa chấp một nữ quân y Trung Quốc đang bị Cục Điều tra Liên bang truy nã.

Trong một bài phát biểu tại California ngày 23/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh: "Chỉ trong tuần này, chúng tôi đã tuyên bố đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston vì đây là một trung tâm gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ".

Trước đó một ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã gọi yêu cầu đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston của Mỹ là "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế" và làm tổn thương sâu sắc quan hệ hữu nghị Trung Quốc-Mỹ.

“Tổng lãnh sự quán ở Houston là tổng lãnh sự quán đầu tiên của Trung Quốc được mở tại Mỹ sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao”, ông Wang nói. Người phát ngôn của Trung Quốc cho rằng, những cáo buộc của Mỹ đối với Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là “những lời lẽ vu khống”.

Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất từ Global Times, Trung Quốc ngày 24/7 đã yêu cầu Mỹ đóng cửa Tổng lãnh sự quán ở Thành Đô. Động thái mới của Bộ Ngoại giao nước này nhằm trả đũa việc Mỹ yêu cầu đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston. Giới phân tích gọi đây là “một biện pháp đối phó tương đương và đối ứng”.

(theo Nikkei Asian Review)