TIN LIÊN QUAN | |
Trung Quốc tích cực thúc đẩy thương lượng thương mại với Mỹ trong 90 ngày tới | |
Mỹ nóng lòng muốn Trung Quốc lập tức tuân thủ "cam kết miệng" |
Bữa tối quan trọng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã kết thúc trong tiếng vỗ tay của cả hai bên, cùng một thỏa thuận ngưng leo thang chiến tranh thương mại trong 3 tháng. Mỹ đồng ý trì hoãn việc tăng thuế theo kế hoạch vào ngày 1/1/2019 và giữ mức thuế suất hiện tại ở mức 10% trong 90 ngày nữa, để đổi lấy việc Trung Quốc có những động thái mới và mua nhiều hàng hóa Mỹ hơn. Đồng thời, trong thời gian này, hai bên sẽ tăng cường thảo luận, nếu thỏa thuận được thì tất cả mức thuế quan mà áp cho năm nay đều có thể được hủy bỏ, trái lại Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch nâng thuế suất từ 10% lên 25%.
Thỏa thuận của hai đối tác thực dụng
Trên thực tế, “thỏa thuận đình chiến” không được đánh giá cao về “mặt kỹ thuật”, khi hai bên chưa đạt được một tiến bộ cụ thể nào có thể giúp xóa đi những bất đồng cơ bản và các vấn đề cốt lõi. Cả hai bên đều không đạt được những yêu sách lớn nhất của mình, cùng với “củ cà rốt”, “cây gậy” trừng phạt vẫn đang treo lơ lửng, nhưng thỏa thuận đã dành cho cả hai nhà lãnh đạo một quãng thời gian "thư giãn", khi họ đang phải đối mặt với sụt giảm của thị trường chứng khoán và những dấu hiệu cảnh báo về kinh tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng dùng bữa tối ở Argentina, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20. (Nguồn:Latimes) |
Nhờ thỏa thuận miệng này, ông Tập có thêm ít nhất ba tháng trước khi mức thuế mà Mỹ đang áp lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc tăng lên 25%, cho phép các nhà làm chính sách của Trung Quốc có thêm thời gian để cải thiện mức tăng trưởng đang chậm lại. Còn ông Trump thì được nghe phía Bắc Kinh hứa hẹn về việc mua nhiều hàng nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng hơn, trong khi vẫn duy trì được áp lực tăng thuế, hòng ép đối phương phải tiếp tục nhượng bộ về các vấn đề cải cách cơ cấu.
Trên thị trường, trước thềm năm mới, căng thẳng có thể tạm lắng, để cả hai cùng đón một mùa Noel vui vẻ. Ngoài thị trường tài chính, một bộ phận hưởng lợi trực tiếp từ việc “đình chiến” là cộng đồng doanh nghiệp Mỹ cũng như nông dân Mỹ, đặc biệt là nông dân trồng đậu nành ở các bang mà Tổng thống Trump cần phải giành chiến thắng để tái đắc cử vào năm 2020.
Cả hai người khổng lồ đều đã tránh được trường hợp xấu nhất mà cả hai đều không mong muốn. Và quan trọng là cả hai đều thấy mình là người chiến thắng, khi tạm thời thuyết phục được bên kia không tiếp tục “ra đòn”.
Nhưng các bất đồng sâu sắc vẫn còn đó, hết thời hạn 90 ngày, thế giới có thể lại bắt đầu lo lắng một lần nữa. Điểm mấu chốt là bất chấp việc tán dương thỏa thuận mới đạt được, khác biệt giữa hai bên vẫn rất lớn khiến họ khó tìm ra một giải pháp lâu dài, trừ khi hoặc ông Trump hoặc ông Tập xuống nước. Nhưng không ai sẵn sàng làm như thế.
Không quá lạc quan
Còn quá sớm để nói gì về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, vẫn phải chờ xem, liệu trong thời gian “thư giãn” Trung Quốc và Mỹ có thể đạt được nhận thức chung về vấn đề cải cách mang tính cấu trúc hay không. Đây mới là yếu tố then chốt để có thể nói đến hồi kết của cuộc chiến thương mại này.
Có chuyên gia đã nhận định, động thái xuống nước của cả Mỹ - Trung là sự thể hiện thái độ có trách nhiệm đối với sự phát triển kinh tế thương mại của hai nước nói riêng và toàn cầu nói chung. Nếu va chạm thương mại tiếp tục leo thang thì không chỉ ảnh hưởng đến hai nước mà còn sẽ tác động nặng nề đến thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, không nên "lạc quan mù quáng" về tình hình hiện nay. Nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao Trung - Mỹ đạt được lần này chỉ khiến cho cuộc chiến thương mại không tiếp tục mở rộng, nhưng cũng không thể hiểu là “đình chiến”. Suy cho cùng hai bên đều chưa hủy bỏ phần thuế quan đã áp lẫn nhau, mà cuộc chiến thương mại không mở rộng cũng chỉ mang tính tạm thời. Nhà Trắng đồng ý tạm ngừng mở rộng cuộc chiến thương mại khi có điều kiện tiên quyết trên hai phương diện, một là, Trung Quốc nhập khẩu nhiều hơn hàng hóa của Mỹ; hai là, Trung Quốc tiến hành cải cách mang tính cơ cấu. Trong đó, điểm thứ hai sẽ là điểm “cực khó” trong các cuộc đàm phán tiếp theo, đặc biệt là về vấn đề ép buộc chuyển giao công nghệ.
Nếu vấn đề này không được giải quyết về cơ bản thì cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ rất khó đi đến hồi kết. Đòn đánh phủ đầu của Washington áp thuế lên danh mục hàng hóa trị giá 50 tỷ USD của Trung Quốc chính là nhằm vào nội dung này, nên Nhà Trắng chắc chắn sẽ không hủy bỏ mục tiêu trong trường hợp chưa giành được sự nhượng bộ thực chất từ Trung Quốc.
Quan trọng hơn, phía Mỹ hiện không còn tin vào những lời hứa để rồi lần lữa không thực hiện của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, với nhận thức chung phải cứng rắn với Trung Quốc và sự kiên định về chiến lược, linh hoạt về sách lược của Chính quyền Trump, không ai có thể đảm bảo rằng, Bắc Kinh lại không bị bất ngờ một lần nữa.
Trong khi đó, nếu thực hiện những thay đổi mang tính kết cấu, một trong những điều Washington muốn Bắc Kinh phải làm là từ bỏ chiến lược “Made in China”. Mà với Bắc Kinh, đó là điều sẽ không bao giờ xảy ra. Bởi vậy, bữa tối kéo dài 150 phút chắc chắn không thể đẩy được những “hòn đá tảng” nằm giữa quan hệ Mỹ - Trung. Và người ta đã bắt đầu nói đến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, mà khởi đầu chính là cuộc chiến tranh thương mại này.
Mỹ muốn gì từ cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc? Ngày 3/12, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo, Tổng thống Donald Trump sẽ dẫn đầu cuộc đàm phán thương mại với Trung ... |
Mong manh thỏa thuận “ngừng bắn” Mỹ - Trung 90 ngày là quá ngắn ngủi để hai siêu cường hàng đầu thế giới có thể tìm kiếm một “hiệp định hòa bình”. |
Trung Quốc nhất trí giảm thuế đối với xe hơi Mỹ Ngày 3/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định Trung Quốc đã nhất trí "giảm bớt và dỡ bỏ" thuế quan đối với mặt hàng ... |