📞

Mỹ - Trung hết “tuần trăng mật”

14:00 | 29/07/2017
Cuối cùng thì Đối thoại kinh tế cấp cao Mỹ - Trung đã kết thúc mà không có bước tiến nào. Hy vọng về 100 ngày định hình lại quan hệ kinh tế giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới cũng vì thế rơi vào bế tắc.

Cuộc thảo luận kinh tế hàng năm giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu được triển khai từ năm 2008. Nhưng năm nay, dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, cuộc họp đầu tiên giữa các quan chức kinh tế của hai siêu cường đã được đổi tên thành Đối thoại kinh tế toàn diện cấp cao với hy vọng mở ra trang mới trong quan hệ thương mại, đầu tư song phương. Tham gia cuộc họp là những quan chức kinh tế cấp cao nhất của hai nước như Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Phó Thủ tướng Uông Dương, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Janet Yellen và Giám đốc điều hành các tập đoàn lớn như Jack Ma (Alibaba), Stephen Schwarzman (Blackstone)…

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Mar-a-Lago (Florida), ngày 7/4/2017. (Nguồn: CNN)

Những điểm khác biệt

Nếu dịp này năm ngoái, Mỹ - Trung đã đưa ra Tuyên bố chung dài hơn 6.000 từ, khẳng định mối quan tâm cùng vươn đến sự thịnh vượng, thì năm nay, kết thúc Đối thoại, phía Mỹ chỉ thông báo vỏn vẹn: "Bắc Kinh đã thừa nhận mục tiêu chung do Mỹ đề xuất là giảm thâm hụt thương mại và cả hai nước sẽ hợp tác để đạt được mục tiêu này". Bản tuyên bố không cung cấp thêm chi tiết nào cho thấy mục tiêu mà hai bên có thể đồng ý hoặc khi nào họ tiếp tục thảo luận.

Các cuộc họp báo đã lên lịch trình đều bị hủy bỏ. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Ross tiếp tục chỉ trích gay gắt và thẳng thừng về thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc với Mỹ. Còn Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương rời trụ sở Bộ Tài chính Mỹ sau Đối thoại mà không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của báo giới. Nhiều nhà phân tích coi đây là dấu hiệu của sự bất đồng sâu sắc về các vấn đề thương mại và đầu tư, vốn là trọng tâm của cuộc đàm phán.

Trở lại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago (Florida) ba tháng trước, tại cuộc gặp đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Donald Trump đã dành những “lời có cánh” cho quan hệ Mỹ - Trung và bản thân ông Tập, đồng thời nhất trí kế hoạch đối thoại thương mại 100 ngày. Ngay sau đó, Mỹ được cho là đã “ghi một điểm” khi thịt bò, khí tự nhiên và một vài dịch vụ tài chính của nước này đã tới được Trung Quốc.

Nhưng dường như kỳ “trăng mật” ngắn ngủi ấy đã khép lại, những bất đồng lộ diện, mà trọng tâm của vấn đề chính là những điểm khác biệt giữa những gì Tổng thống Trump muốn và những gì mà Chủ tịch Tập sẵn sàng đáp ứng. Các vấn đề dù được hai bên thẳng thắn đưa ra, nhưng không đạt được nhất trí về hầu hết các nội dung, bao gồm việc cho phép Mỹ tiếp cận thị trường dịch vụ tài chính Trung Quốc, giảm công suất thép dư thừa của Trung Quốc, giảm thuế nhập khẩu ô tô Mỹ vào thị trường Trung Quốc, cắt các khoản trợ giá dành cho các công ty nhà nước Trung Quốc…

Không thể hợp tác sẽ đối đầu

Thừa nhận có sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa hai nền kinh tế, đồng thời quan ngại về một cuộc chiến tranh thương mại, trước đàm phán một ngày, tại Hội nghị Lãnh đạo Doanh nghiệp Mỹ-Trung lần thứ nhất, nhóm 20 tỷ phú Mỹ - Trung đã kêu gọi Chính phủ hai nước tăng cường hợp tác và đối thoại thực chất để tìm được giải pháp tức thời. 

Theo Giám đốc cao cấp của công ty tư vấn kinh doanh FTI Consulting  Nicholas Consonery, giới doanh nghiệp hy vọng sẽ có những bước tiến như khả năng mở cửa thị trường Trung Quốc cho các công ty Mỹ để thể hiện thiện chí của Bắc Kinh, hoặc ít nhất hai bên cùng lên được lịch cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Tuy nhiên, kết quả đàm phán đã khiến họ thất vọng.

Washington muốn tăng khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc cho các công ty Mỹ, tăng xuất khẩu hàng Mỹ sang Trung Quốc để giảm thâm hụt thương mại… nhưng lại muốn kìm chế nhập khẩu thép từ Trung Quốc. Mới đây, Tổng thống Trump đe dọa áp dụng hạn ngạch và thuế quan để đối phó với tình trạng phá giá thép từ Trung Quốc. “Họ đang xả thép và phá hoại nền công nghiệp thép của chúng ta. Họ đã làm việc đó hàng chục năm qua và tôi đang ngăn chặn điều đó. Có hai cách giải quyết: hạn ngạch và thuế. Có thể tôi sẽ làm cả hai”, ông Trump tuyên bố với giới truyền thông như vậy. Phía Mỹ cũng cho rằng, sự sụt giảm thương mại khổng lồ của nước này với Trung Quốc là kết quả của các hành vi thương mại không công bằng.

“Chính quyền Trump đã có những kỳ vọng thiếu thực tế về những gì Trung Quốc sẽ làm để giải quyết tình trạng mất cân đối thương mại”, chuyên gia về khu vực châu Á của Mizuho Securities Asia tại Hong Kong - Shen Jianguang nhận định. Vì mục tiêu của mình, Bắc Kinh không thể xuống nước với tất cả các đòi hỏi từ phía Mỹ, chẳng hạn, vấn đề can thiệp vào doanh nghiệp nhà nước hay nhu cầu tăng xuất khẩu thép nhằm giảm tình trạng dư thừa sản lượng…

Như vậy, một vài kết quả hạn chế chưa thể làm chính quyền Mỹ hài lòng. Có vẻ như họ đang mất kiên nhẫn với Bắc Kinh. Giới nghiên cứu lo ngại, việc không đưa ra được các bước cụ thể để giảm mức thâm hụt thương mại 347 tỷ USD với Trung Quốc và hạn chế tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của nước này sang Mỹ, đạt hơn 200% trong 15 năm qua, sẽ tạo áp lực  khiến chính quyền Trump chuyển từ hợp tác sang đối đầu.