📞
CHUYỆN THỜI SỰ TUẦN QUA

Mỹ- Trung Quốc: Tình thời giận lấn thương

Phù Dung 15:44 | 12/12/2020
TGVN. Tuần qua, chính quyền của Tổng thống Donald Trump tiếp tục gia tăng sức ép với Trung Quốc. Từ diễn biến này, hãy nhìn lại quan hệ Mỹ-Trung trong năm 2020 và dự báo chính sách của chính quyền mới ở Mỹ trong đối phó với Trung Quốc.

Năm 2020 sắp đi qua là một năm thật chẳng tốt lành chút nào và hay ho gì đối với mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Sẽ rất đúng hoặc chí ít thì cũng chẳng hề sai khi cho rằng chưa khi nào kể từ khi được chính thức bình thường hoá vào năm 1979, mối quan hệ song phương này lại đã trượt dốc nhanh chóng và ở đáy sâu như trong năm 2020.

Càng về cuối nhiệm kỳ cầm quyền, ông Trump càng gia tăng mức độ đối đầu quyết liệt với Trung Quốc. (Nguồn: GT)

Nét đặc biệt thứ hai ở cặp quan hệ trên trong năm 2020 là tuy không đóng vai trò quan trọng nổi bật nhưng chuyện quan hệ giữa hai nước hiện diện cũng khá đậm nét trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ.

Cuộc bầu cử ấy đã đưa lại sự thay đổi tổng thống ở nước Mỹ vào trưa ngày 20.1 năm tới. Ông Joe Biden, người từng có 8 năm là Phó Tổng thống Mỹ và thuộc đảng Dân chủ, đã đắc cử và hiện đang thành lập nội các để cầm quyền. Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump thuộc phe đảng Cộng hoà hiện ở buổi hoàng hôn của quyền lực. Nước Mỹ bị dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra (Covid-19) tàn phá dữ dội. Vậy mà ông Trump dường như không ưu tiên ứng phó dịch bệnh bằng đối phó Trung Quốc.

Càng về cuối nhiệm kỳ cầm quyền, ông Trump càng gia tăng mức độ đối đầu quyết liệt với Trung Quốc. Mới đây nhất, chính quyền của ông Trump huỷ hàng loạt chương trình trao đổi văn hoá giữa hai nước, trừng phạt cả một số quan chức trong cơ quan lập pháp của Trung Quốc và doạ cấm đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ. Trung Quốc đã thể hiện thái độ phản đối Mỹ mạnh mẽ và doạ sẽ trả đũa.

Hai nước này đang cạnh tranh chiến lược với nhau ở mức độ quyết liệt chưa từng thấy nhưng cho dù hai bên dẫu còn có thể không khoan nhượng lẫn nhau đến mấy nữa thì cũng sẽ không có chuyện mối quan hệ song phương này bị đổ vỡ. Xưa nay, hai bên đã nhiều lần giận hờn nhau nhưng rồi vẫn không thể hết thương nhau và vẫn để cho lý trí nhập cuộc kịp thời nhằm ngăn chặn tình cảm đẩy xung khắc và đối đầu đi quá xa.

Một trong những dấu ấn đối ngoại nổi bật nhất của ông Trump là điều chỉnh rất cơ bản và rõ nét chiến lược và chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Vì thế, cặp quan hệ song phương này mới bị đẩy vào tình trạng giận nhiều hơn thương và thậm chí giận còn lấn át cả thương.

Ông Trump cũng làm rất găng với Iran. Nhưng động cơ và mục đích của ông Trump với chủ ý đối đầu Trung Quốc và Iran lại có phần rất khác nhau. Ở trường hợp Iran, ông Trump muốn huỷ hoại một trong những thành tựu cầm quyền quan trọng nhất và nổi bật nhất của người tiền nhiệm về chính trị đối ngoại và an ninh thế giới.

Ông Trump không muốn ông Biden có nhiệm kỳ cầm quyền thuận lợi nhưng riêng trong quan hệ của Mỹ với Trung Quốc thì lại đã giúp ông Biden giờ chỉ cần tiếp bước chứ không cần khởi hành.

Ở trường hợp Trung Quốc, đối với ông Trump lại thuần tuý là lợi ích chiến lược cơ bản hiện tại cũng như lâu dài của nước Mỹ trong bối cảnh tình hình mới ở Trung Quốc, ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới, cụ thể là nước Mỹ bị Trung Quốc thách thức thật sự nghiêm trọng về chính trị, kinh tế, quân sự và đặc biệt về kỹ thuật, công nghệ cao.

Trung Quốc đã trở thành địch thủ thật sự của Mỹ về mô hình hệ thống chính trị. Mỹ đã nhận ra rằng không thể dùng quan hệ hợp tác làm chuyển đổi Trung Quốc theo ý Mỹ nên phải cạnh tranh chiến lược quyết liệt với Trung Quốc.

Cũng chính vì lợi ích này mà chiến lược và chính sách của ông Trump đối với Trung Quốc chắc chắn sẽ được ông Biden tiếp tục trong khi không như vậy đối với Iran. Ông Trump không muốn ông Biden có nhiệm kỳ cầm quyền thuận lợi nhưng riêng trong quan hệ của Mỹ với Trung Quốc thì lại đã giúp ông Biden giờ chỉ cần tiếp bước chứ không cần khởi hành.

Thời giận lấn thương vì thế sẽ còn kéo dài đối với mối tình giữa Mỹ và Trung Quốc.