📞

Mỹ và châu Âu trông đợi gì ở TTIP?

06:00 | 14/05/2016
Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman cho rằng, Mỹ và châu Âu chỉ còn cơ hội duy nhất để cùng kết thúc TTIP vào cuối năm 2016.

Trong một bài phát biểu mới đây về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (TTIP), Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman nhấn mạnh, mặc dù trong 6 tháng qua đã có nhiều tiến triển quan trọng trong quan hệ Mỹ- châu Âu, nhưng để cùng đi được tới đích, hai bên đều cần “mềm dẻo” và thực tế hơn khi ngồi tại bàn đàm phán, để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng.

Cả Mỹ và châu Âu đều cần TTIP, bởi mối quan hệ sâu sắc về kinh tế, trao đổi thương mại hai chiều đã đạt khoảng 3 tỷ USD mỗi ngày, 4.000 tỷ USD đầu tư và tạo ra 14 triệu việc làm cho cả hai bên. Đó là lý do không tồi để hai bên đàm phán về TTIP- một thỏa thuận có thể giúp cả Mỹ và châu Âu làm nhiều điều tốt hơn, đặc biệt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn đang phải đối mặt với nhiều rào cản. Hiện trong nền kinh tế Mỹ và cả châu Âu, doanh nghiệp nhỏ chính là yếu tố quyết định vấn đề việc làm và tăng trưởng kinh tế.

TTIP được kỳ vọng là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới. (Nguồn: The Social Science Post)

Ngoài hàng rào và việc tiếp cận thị trường, TTIP cũng nhằm tháo gỡ những thách thức mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt, từ việc đưa sản phẩm vào thị trường đến thủ tục pháp lý - những yếu tố thường khiến các doanh nghiệp nhỏ lúng túng. Khác với các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt với trình tự pháp lý khác nhau ở mỗi quốc gia, họ không biết những sản phẩm của họ bị đối xử thế nào khi đến thị trường đó, nên rất khó khăn trong việc định giá và quảng bá sản phẩm. Đây là một trở ngại lớn trong hội nhập thương mại quốc tế đối với các doanh nghiệp này. Vì vậy, thông qua TTIP, Mỹ và châu Âu sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng hơn trong việc đưa các sản phẩm ra thị trường nước ngoài, giảm nguy cơ không đáng có.

Mục tiêu của Mỹ và châu Âu là duy trì và tăng cường các tiêu chuẩn thương mại song phương. Hệ thống giám sát của cả Mỹ và châu Âu đều rất nghiêm ngặt, bảo vệ một cách tốt nhất cho người dân, môi trường, sức khỏe và sự an toàn. Mục tiêu của việc giám sát không vì mục đích hạ thấp các tiêu chuẩn mà để duy trì và nâng cao tiêu chuẩn, đồng thời tìm cách kết nối những bất đồng trong thiết lập hệ thống tiêu chuẩn và các quy định giám sát. Thông qua TTIP, các bên có thể đạt được thỏa thuận chấp nhận quá trình điều tra của bên kia và tạo dựng niềm tin lẫn nhau, đồng thời đều có thể tiếp cận với những báo cáo điều tra, các chương trình hành động của nhau.

Mỹ chỉ có thể đạt được những mục tiêu trên khi phối hợp với một đối tác thương mại như châu Âu - một thị trường cao cấp được quản lý tốt và có mức lương cao. Trước tiên, Mỹ và châu Âu có thể hợp tác nhằm cải thiện quan hệ kinh tế song phương và sau đó là phối hợp với phần còn lại của thế giới nhằm tìm ra những quy định mới về thương mại; nâng cao tiêu chuẩn tại các quốc gia khác và có tác động tích cực lên hệ thống thương mại toàn cầu, tạo ra một sân chơi công bằng giữa các nền kinh tế mở, hoạt động theo luật pháp.

Tóm lại, “Mỹ và châu Âu đã tạo nên những bước tiến đáng kể trong 6 tháng qua. Nếu hai bên tận dụng hết những lợi thế của cơ hội này thì những bước tiến sẽ còn tiếp tục mở rộng. Tuy nhiên, điều đó cũng cần phải có ý chí chính trị từ cả hai phía để đảm bảo rằng cả hai đều cởi mở và thực tế", ông Michael Froman kết luận.

TTIP được khởi động từ tháng 7/2013, được kỳ vọng là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, tạo ra một thị trường với 850 triệu người tiêu dùng, mang lại hơn 13 triệu việc làm tại Mỹ và châu Âu, thúc đẩy thương mại giữa hai bên lên đến 1.000 tỷ USD/năm, bao gồm các lĩnh vực từ hàng hóa như nông sản, thực phẩm, dệt may... đến dịch vụ viễn thông, sở hữu trí tuệ, tài chính...