Ảnh minh họa |
Trong những ngày gần đây, báo chí Pháp đã tốn nhiều giấy mực để viết về động thái đe doạ hạ thấp điểm tín nhiệm với Mỹ của Cơ quan thẩm định tài chính S&P do món nợ khổng lồ hiện nay của nước này. Cho dù trước mắt vẫn duy trì điểm AAA, vốn dành cho các quốc gia vay nợ đáng tin cậy nhưng đây là lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Mỹ bị đe dọa hạ điểm. Một điều đáng nói khác: Mỹ là quốc gia lớn duy nhất trong số được điểm AAA, bị đe doạ như vậy, và bị nghi ngờ về khả năng trả nợ. Theo S&P, nhiều khả năng Mỹ sẽ không còn xứng đáng với điểm cao này trong vòng 2 năm tới.
Mỹ nợ ai nhiều nhất?
Tờ Le Monde đã trích dẫn số liệu của IMF cho thấy chuyển biến món nợ của Mỹ trong 20 năm qua: từ 72,4% GDP năm 1993, giảm dần trong thời Clinton để xuống 54,7% vào năm 2001, tăng trở lại thời George W.Bush, lên đến 84,6% năm 2009 vào thời điểm Obama và dự kiến sẽ lên đến 99,5% vào năm 2011 này.
Le Monde cũng điểm mặt các chủ nợ của Mỹ: Đứng đầu vẫn là Trung Quốc, nắm đến 895,6 tỷ USD trái phiếu Mỹ, tiếp đến là Nhật Bản với 877,2 tỷ, đứng thứ 3 là Anh 511,8 tỷ, rồi đến các nước xuất khẩu dầu hoả là 210,4 tỷ. Các chủ nợ của Mỹ trên 100 tỷ phải liệt kê từ Brazil, Nga cho đến Đài Loan, Thụy Sĩ... Tổng cộng món nợ của Mỹ năm 2010 là 13.419 tỷ USD.
Chính vì vậy, ngày 19/4 vừa qua, Trung Quốc đã kêu gọi Washington đưa ra những "biện pháp có trách nhiệm" để bảo vệ các nhà đầu tư. Yêu cầu của Bắc Kinh đối với chính sách kinh tế Mỹ qua kênh ngoại giao là điều hiếm thấy với một nền ngoại giao vốn đã quen lên giọng kêu gọi không can thiệp. Yêu cầu của Bắc Kinh cũng là chỉ trích nhằm vào kế hoạch kích thích kinh tế của chính quyền Obama nhằm đưa Mỹ thoát khỏi khủng hoảng. Nhưng có thể hiểu được mối quan ngại của Bắc Kinh trước tình hình nợ công của Mỹ trong bối cảnh mà Trung Quốc đang nắm giữ một lượng lớn trái phiếu Mỹ và một khi nợ nần của Mỹ tăng cao có thể gây hậu quả trực tiếp đến túi tiền của các chủ nợ. Theo Bắc Kinh, phép tính rất đơn giản là nếu như nợ của Mỹ bị bùng nổ, đồng USD có nguy cơ bị mất giá kéo theo trái phiếu cũng bị mất giá.
Bắc Kinh đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về khả năng chống đỡ thâm hụt ngân sách của Mỹ và bắt đầu đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ của mình. Nhưng với mức dự trữ ngoại tệ vượt quá 30% của cả thế giới, Trung Quốc biết rõ lúc này họ không có sự lựa chọn nào khác. Thị trường Mỹ là nơi duy nhất đủ lớn để đón nhận nguồn tiền đầu tư của Trung Quốc.
Lời cảnh tỉnh tới các nền kinh tế khác
Bài xã luận tựa đề "Cảnh báo" của tờ La Croix đã nhắc lại không ai có thể tưởng tượng Mỹ một ngày nào đó lại có thể không đủ khả năng trả nợ, và cho đến giờ thì cũng không ai cho rằng một cơ quan thẩm định tài chính lớn lại có thể nghi ngờ về sự vững chắc tài chính của Mỹ như vậy.
Tuy nhiên, La Croix cho là người ta cũng có thể giảm nhẹ tầm quan trọng của đánh giá này. Những người không xem nó là quan trọng sẽ nêu bật những sai lầm trong đánh giá các cơ quan thẩm định trong những năm gần đây, như trong vụ tín dụng địa ốc 'subprimes', (cho vay dưới chuẩn) đã gây nên cuộc khủng hoảng tài chính 2007- 2008.
Tờ báo cũng nhìn thấy tính chất 'chiến thuật' trong thông cáo của S&P, là muốn thúc đẩy các phe Dân chủ và Cộng hoà ở Mỹ nhanh chóng thoả hiệp trên việc giảm thâm thủng ngân sách. Một yếu tố khác khiến La Croix không mấy lo ngại là Mỹ vẫn có thể in thêm tiền để giảm nhẹ phần món nợ, cho dù phải gây ra lạm phát. Đây là đặc quyền đặc lợi của chủ nhân đồng đô la, đồng tiền chính của các cuộc trao đổi trên thế giới.
Tuy nhiên La Croix nhận thấy S&P đã đưa ra lời cảnh tỉnh đối với các nền kinh tế phương Tây rằng cho dù Mỹ có là cường quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, và ngày nào đó cũng sẽ phải trả nợ.
Hoài Nam (Tổng hợp)