Hệ thống phòng không Patriot được Mỹ viện trợ cho Ukraine. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Những hệ thống phòng không Patriot đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Ukraine trước các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga. Sự tham gia của quân nhân Mỹ đặt ra những câu hỏi về cái giá phải trả và hậu quả đối với chính nước này.
Bà Wormuth nhấn mạnh rằng việc triển khai hệ thống Patriot ở Ukraine là một bước quan trọng về mặt chiến lược vì chúng có thể chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa một cách hiệu quả. Tuy nhiên, gánh nặng đổ lên vai quân đội Mỹ.
Các hoạt động liên tục ở tuyến đầu không chỉ đòi hỏi chi phí tài chính đáng kể mà khiến đội ngũ vận hành các tổ hợp này bị quá tải. Điều này khiến quân đội Mỹ rơi vào tình trạng căng thẳng, và về lâu dài có thể ảnh hưởng đến tính hiệu quả và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng này.
Bộ trưởng Lục quân Wormouth cho hay việc duy trì hoạt động của các hệ thống công nghệ cao như vậy không chỉ đòi hỏi nguồn nhân lực mà còn phải liên tục hiện đại hóa chính các tổ hợp. Câu hỏi đặt ra là Mỹ có thể tiếp tục hỗ trợ hoạt động của các hệ thống này ở Ukraine trong bao lâu mà không ảnh hưởng đến lợi ích của chính mình.
Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc ngày 18/10 đã tổ chức Hội nghị Ủy ban Quân sự Mỹ-Hàn (MCM) lần thứ 49 theo hình thức trực tuyến, thảo luận về vai trò của Bộ Tư lệnh chiến lược mới thành lập hồi đầu tháng 10 và tái khẳng định quyết tâm về răn đe mở rộng.
Cuộc họp có sự tham dự của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Charles Quinton Brown, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Samuel Paparo, Tư lệnh liên quân Mỹ-Hàn Paul LaCamera và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Kim Myung-soo.
Trong cuộc họp, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối chặt chẽ với Bộ Tư lệnh liên quân Mỹ-Hàn trong quá trình phát triển kế hoạch tác chiến của Bộ Tư lệnh chiến lược theo Tuyên bố Washington được lãnh đạo Mỹ-Hàn thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh song phương vào tháng 8 năm ngoái.
Ông Kim Myung-soo chỉ trích sự vô lý của Bình Nhưỡng khi tuyên bố hai miền Triều Tiên là mối quan hệ thù địch giữa hai quốc gia đang giao chiến và hành động thả bóng bay chứa rác thải của Triều Tiên. Hai bên có chung nhận định rằng các hành vi khiêu khích của Triều Tiên và hợp tác quân sự Nga-Triều đang làm gia tăng căng thẳng và đe dọa an ninh trên bán đảo Triều Tiên và toàn cầu.
Hội nghị Ủy ban Quân sự Mỹ-Hàn được tổ chức hàng năm (hoặc khi cần thiết) kể từ năm 1978, để thảo luận các vấn đề quân sự của đồng minh, đưa ra chỉ đạo chiến lược và hướng dẫn tác chiến cho liên quân nhằm đảm bảo an ninh cho Hàn Quốc. Cuộc họp lần này vốn dự kiến tổ chức tại Washington DC (Mỹ), nhưng đã phải chuyển sang hình thức họp trực tuyến trước tình hình an ninh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.