📞

Mỹ - Yemen: Đồng sàng dị mộng

16:20 | 29/01/2010
Yemen gần đây “xếp ngang hàng” với các nước Afghanistan và Pakistan, trở thành mối nguy an ninh toàn cầu, một quốc gia bất ổn và điểm đến mới cho Al Qaeda.
Người dân miền Nam Yemen biểu tình phản đối chính phủ nước này đã đàn áp lực lượng được cho là có liên quan đến Al-Qaeda.
Yemen gần đây “xếp ngang hàng” với các nước Afghanistan và Pakistan, trở thành mối nguy an ninh toàn cầu, một quốc gia bất ổn và điểm đến mới cho Al Qaeda.

Nỗ lực đánh bom một máy bay của hãng Detroit do một thanh niên Nigeria vào ngày Giáng sinh được Al Qaeda “đào tạo” ở Yemen khiến mọi con mắt đổ dồn về quốc gia này. Sau cuộc tấn công bị thất bại, ngày 28/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh Gordon Brown đã tổ chức một hội nghị ở London để bàn thảo các giải pháp cho cuộc khủng hoảng được nhìn thấy trước ở Yemen.

 

Nhưng nếu hội nghị tập trung quá nhiều vào sự hiện diện của Al Qaeda ở Yemen thì có thể sẽ làm tổn hại đến những điều tốt đẹp hơn. Quả thực, hội nghị nên tập trung tìm giải pháp cho các vấn đề rộng lớn hơn để tìm kiếm sự ổn định chính trị và xã hội ở Yemen. Al Qaeda không phải là mối nguy hiểm đầu tiên đối với an ninh và ổn định ở Yemen, còn có các vấn đề địa chính trị của quốc gia này. Sự thịnh hành của tín ngưỡng Wahhabi - tôn giáo từ Saudi Arabia thâm nhập Yemen đang trở thành chất xúc tác kích động những thành niên bất mãn Yemen gia nhập đội quân tấn công lại Saudi Arabia.

 

Yemen có hai vấn đề chính: cuộc chiến sắp tiếp diễn mà chính phủ đang tiến hành chống lại nhóm nổi dậy Houthi ở miền Bắc đất nước và ngăn chặn phong trào ly khai ở miền Nam. Thêm vào đó là sự bất lực của chính phủ Yemen để tìm ra những giải pháp chính trị đưa Yemen ra khỏi bờ vực tan vỡ. Dường như Obama chưa thể hiểu thấu đáo thực tế rằng các vấn đề của Yemen vượt ra ngoài sự có mặt của Al Qaeda ở đất nước này. Bởi thế, hội nghị London dường như lại là cơ hội hiếm có của Tổng thống Ali Abdullah Saleh. Saleh muốn sử dụng hội nghị này như một công cụ để tìm kiếm sự hậu thuẫn của phương Tây, đặc biệt là viện trợ quân sự, ủng hộ cuộc chiến tranh chống Houthi và quân phiến loạn miền Nam. Saleh thường tận dụng mối nguy hiểm từ Al Qaeda để giành thêm ủng hộ về tài chính và an ninh từ phương Tây và Saudi Arabia.

Đối với Saleh, âm mưu đánh bom ngày Giáng sinh là món quà trời cho. Sự tiến thoái lưỡng nan của Saleh là ở chỗ cùng với việc phương Tây đổ tài trợ vào thì cũng tăng sự can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Yemen vào lúc ông muốn thế giới đứng ngoài. Phương Tây và Saleh không có chung kẻ thù. Al Qaeda là kẻ thù của phương Tây trong khi kẻ thù thực sự của Saleh là Houthi và quân ly khai miền Nam.

 

Người Mỹ không nên ngạc nhiên vì những động thái này bởi vì sự dính líu của Mỹ ở Yemen không phải là mới. Al Qaeda ở Yemen trở thành mục tiêu khi tàu USS Cole của Mỹ bị đánh bom trong khi cập cảng Aden vào năm 2000. Vụ không kích của không quân Mỹ vào tháng 12 năm ngoái ở Abein và Shabwa đã giết một số thành viên của Al Qaeda và dân thường. Chiến đấu với Al Qaeda ở Yemen thông qua các hình thức như thế có thể tạm thời giảm khủng bố nhưng khó có thể đạt được kết quả toàn diện. Câu hỏi đặt ra là liệu phương Tây có chú tâm đến việc lập lại trật tự cho Yemen để quốc gia này có thể chế ngự Al Qaeda.

 

Và nguyên nhân của sự bất ổn ở Yemen không chỉ nằm ở bản thân quốc gia này. Các quốc gia láng giềng của Yemen cũng có vai trò. Saudi Arabia “xuất khẩu” cả tôn giáo Wahhabi và Al Qaeda vào Yemen. Hơn nữa, kể từ cuộc chiến vùng Vịnh 1991, Saudi Arabia và Kuwait đã trục xuất các công nhân Yemen. Tháng trước, 54.000 công nhân Yemen đã bị trục xuất khỏi Saudi Arabia.

 

Mặc dù xét về góc độ địa lý, Yemen là một phần của bán đảo Ả rập nhưng nước này lại bị đứng ngoài Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), ban đầu là vì quy mô quốc gia – nước đông dân nhất trên bán đảo – nên người ta lo sợ nước này có thể giành được ảnh hưởng lớn. Dân số Yemen vượt quá dân số của 6 nước GCC cộng lại.

 

Người Yemen được biết đến như những lao động có kỹ năng. Bởi thế, thay vì đưa các tôn giáo cực đoan vào Yemen, nhập khẩu nhân lực có thể phần nào hóa giải các vấn đề của Yemen. Hội nghị ở London có thể chứng thực đó là cái bẫy dành cho phương Tây hoặc bắt đầu một nỗ lực cải cách đất nước thực sự để ngăn Yemen không trở thành một Afghanistan khác. Nếu phương Tây nhờ đến Saleh để chống lại Al Qaeda, họ sẽ “mắc bẫy” của Saleh để ủng hộ ông ta trong công cuộc dập tắt nội chiến và gỡ rối các chính sách thất bại. Nhưng nếu phương Tây biết đánh giá chủ nghĩa khủng bố không phải là gốc rễ duy nhất của vấn đề, ép Salah chia bắt đầu chia sẻ quyền lực, triển vọng của Yemen có thể sáng sủa hơn.

 

Ngân Thơ(Theo Project Syndicate)