Myanmar đón hơn 2 triệu lượt khách nước ngoài và thu về 926 triệu USD từ ngành du lịch vào năm 2013, theo Bộ Khách sạn và Du lịch nước này. So với năm 2012, doanh thu ngành du lịch năm 2013 tăng gần 400 triệu USD.
Ngành du lịch tăng trưởng 93% và tạo ra nhiều cơ hội việc làm, theo Phó Tổng thống Nyan Tun tại cuộc họp Ủy ban Trung ương vì sự phát triển ngành du lịch quốc gia. "Đất nước chúng ta đang đứng đầu trong những điểm du lịch được ưa chuộng trên thế giới do các tổ chức quốc tế thế giới bình chọn trong ba năm liên tiếp", ông nói. Myanmar đang hy vọng trong năm 2014 sẽ đón hơn 3 triệu khách du lịch, 5 triệu khách trong năm 2015 và 7 triệu khách trong năm 2020.
Kế hoạch phát triển du lịch 2013-2020 của Myanmar đã đề ra 38 dự án với chi phí ước tính hơn 486 triệu USD. Doanh thu từ ngành du lịch là 534 triệu USD năm 2012 và dự kiến đạt 10,18 tỉ USD vào năm 2020.
Ngành du lịch đã giúp giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế ở nhiều khu vực nhờ tạo thêm nhiều việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư khởi sắc...
Các tổ chức du lịch thế giới đang giúp Myanmar tập hợp các dữ liệu chính xác trong ngành du lịch và Myanmar cũng đang hợp tác với Trung tâm phát triển du lịch núi tổng hợp (ICIMOD) và Viện phát triển quốc tế (IID) để mở rộng du lịch quanh hồ Inle và các vùng núi xung quanh.
Myanmar bắt đầu phát triển kế hoạch tổng thể về du lịch vào năm nay và đã chọn các vùng Yangon, Bagan, Mandalay, Inle, Kyeikhtiyo, Ngapali, Ngwe Saung, Putao, Myeik, Naga, Netmaung Taung và Loikaw làm các điểm du lịch trọng điểm.
Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, lượng du khách đến Myanmar bùng nổ là tín hiệu mừng nhưng cũng kéo theo nhiều thách thức. Cơ sở hạ tầng giao thông chưa tốt, số phòng khách sạn chưa nhiều khiến giá phòng tăng cao, tiêu chuẩn dịch vụ chưa được nâng cấp... là một số trở ngại đối với du khách đến đất nước Chùa Vàng.
THẢO VY