Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Myanmar Kyaw Soe Win. (Nguồn: VGP) |
Thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực
Myanmar là một trong những quốc gia ở Đông Nam Á lục địa, vị trí địa lý là yếu tố chứng minh Myanmar là một phần không thể thiếu của Hiệp hội. Trên thực tế, kết nối giữa Myanmar và ASEAN vượt ra ngoài yếu tố địa lý. Tầm nhìn, chuẩn mực, giá trị, định hướng chính sách giúp các nước trong khu vực hợp tác với nhau như một tổ chức.
Chính sách trung lập, không liên kết, duy trì quan hệ thân thiện với tất cả các quốc gia, đặc biệt với các nước láng giềng tiếp tục là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Myanmar quan hệ với các quốc gia xa hay gần. Tướng Aung San, kiến trúc sư của nền độc lập Myanmar nhấn mạnh trong bài phát biểu trước công chúng năm 1946 rằng cần phải có một tổ chức khu vực để đạt được hòa bình, tiến bộ cũng như quan hệ chiến lược và kinh tế. Ý tưởng của ông về hợp tác khu vực xuất hiện trước thời điểm các nước châu Âu còn chưa bàn về việc thành lập Liên minh.
Các nguyên tắc được nêu trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) như không can thiệp vào công việc nội bộ, tham gia mang tính xây dựng, duy trì sự đồng thuận ASEAN đã thu hút Myanmar tham gia ASEAN. Năm 1997, Myanmar trở thành thành viên chính thức của ASEAN trong khi vẫn giữ được bản sắc, nhận được sự công nhận trong khu vực.
Kinh nghiệm đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN năm 2014 tạo động lực lớn cho Myanmar đóng góp tích cực hơn trong việc thực hiện tầm nhìn, sứ mệnh của Cộng đồng ASEAN. Để tạo được sự thống nhất với Cộng đồng ASEAN, chính sách và mục tiêu đối nội của Myanmar gắn kết chặt chẽ với mục tiêu khu vực nhằm duy trì hòa bình khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho người dân ASEAN. Ví dụ, Kế hoạch phát triển bền vững của Myanmar được xây dựng theo cách bổ sung cho nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là các dòng hành động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Myanmar rất coi trọng vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực. Do đó, Myanmar đang tích cực đóng góp vào việc thực hiện các dòng hành động trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị An ninh ASEAN thông qua việc tuân thủ, thúc đẩy nguyên tắc đảm bảo quan hệ hài hòa giữa các quốc gia thành viên ASEAN được nêu rõ trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và với các đối tác bên ngoài.
Trong bối cảnh thách thức an ninh khu vực không chỉ là mối đe dọa truyền thống về hạt nhân và vũ khí, Myanmar đánh giá cao hoạt động tích cực của ASEAN trong các lĩnh vực như chống tội phạm xuyên quốc gia, chống khủng bố, chống tội phạm mạng, duy trì an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo, tập trận cứu trợ thiên tai, cùng hợp tác quốc phòng-quân sự, thực thi Hiệp ước về Khu vực không có vũ khí hạt nhân Đông Nam Á (Hiệp ước SEANWFZ), theo đuổi ngoại giao phòng ngừa, các biện pháp xây dựng lòng tin của Diễn đàn Khu vực ASEAN.
ASEAN đang bước vào giai đoạn hội nhập khu vực, Myanmar sẽ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên ASEAN để tạo tiếng nói chung, cùng phối hợp ứng phó với thay đổi địa chiến lược mới nổi hay bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng, để thúc đẩy hòa bình, tiến bộ trong khu vực đồng thời mang lại lợi ích cho công dân ASEAN.
Tìm ra hướng đi sáng tạo vượt qua thử thách
Myanmar hoàn toàn ủng hộ chủ đề Năm ASEAN 2020 của Việt Nam "Một ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng" bởi chủ đề nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết, ứng phó kịp thời để đưa Cộng đồng ASEAN tiến lên phía trước. Các ưu tiên chính do Việt Nam đề xuất như duy trì hòa bình, ổn định, an ninh khu vực; thúc đẩy hội nhập, kết nối kinh tế khu vực, thích ứng hiệu quả với 4IR; thúc đẩy bản sắc ASEAN và ý thức cộng đồng; tăng cường quan hệ đối tác vì hòa bình, phát triển bền vững; tăng cường năng lực thể chế của ASEAN, là những ưu tiên thiết thực và quan trọng để hiện thực hoá tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Mặc dù năm 2020 còn nhiều thách thức, biến động, Myanmar tin rằng ASEAN sẽ tìm ra phương thức sáng tạo để duy trì hoạt động, chương trình theo kế hoạch đã đặt ra. Các hoạt động dự kiến như Đánh giá giữa kỳ về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Đánh giá giữa kỳ các Kế hoạch hành động của các Cộng đồng , thảo luận Tầm nhìn ASEAN sau 2025 đều có tính chiến lược, mang ý nghĩa thực tiễn quan trọng. Myanmar hy vọng các hoạt động này sẽ được thực hiện dưới sự chủ trì của Việt Nam.
Tương tự, việc tăng cường, thiết lập định hướng tương lai của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, bao gồm Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) đều rất quan trọng. Myanmar tự tin rằng việc đánh giá các quy trình, thủ tục, phương thức, quy chuẩn của ARF sẽ được thực hiện tốt; Kế hoạch hành động Hà Nội II của ARF (2020-2025) sẽ thông qua trong năm 2020.
Năm 2020, Cộng đồng ASEAN đang chuẩn bị sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4IR), Myanmar mong đợi các nước trong khu vực cùng chia sẻ, trao đổi thêm về kinh nghiệm, thách thức, cơ hội trong việc củng cố kinh tế, xã hội để chuẩn bị sẵn sàng cho 4IR.
Myanmar, với tư cách là Trưởng Nhóm đặc trách Sáng kiến hội nhập ASEAN trong năm 2020, đang điều phối nỗ lực chung nhằm xây dựng kế hoạch IAI mới. Chúng tôi hy vọng rằng Kế hoạch hoạt động IAI mới sẽ được xây dựng kịp thời giúp thúc đẩy hội nhập khu vực thông qua thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên ASEAN.
Thúc đẩy cam kết mạnh mẽ hơn cho hợp tác
Năm 2020 là một thời điểm quan trọng, là mốc giữa kỳ thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025, đích đến của Tầm nhìn 2020 ASEAN được thông qua năm 1997. Năm 2020 cũng chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng về bối cảnh địa kinh tế, địa chính trị, công nghệ. Sự bùng phát của COVID-19 cũng làm gia tăng bất ổn trong năm 2020. Hệ quả kinh tế xã hội do COVID-19 gây nên cũng sẽ là yếu tố quan trọng cần cân nhắc trong quá trình lập kế hoạch phục hồi sau đại dịch của ASEAN. ASEAN cần đánh giá tổng thể các rào cản có thể gặp phải trong quá trình thực hiện các lĩnh vực ưu tiên của Tầm nhìn 2025, các dòng hành động dự kiến trong kế hoạch hành động của ba Trụ cột Cộng đồng.
Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ-Thái Bình Dương (AOIP) mà các nhà Lãnh đạo ASEAN đề cập là một thành tựu chính trị quan trọng với nhiều lĩnh vực hợp tác thiết thực. Myanmar mong muốn AOIP cùng bốn lĩnh vực hợp tác sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các đối tác bên ngoài, đồng thời hình thành được định hướng thực tiễn. Nguyên tắc được nêu trong AOIP sẽ giúp bù đắp sự thiếu hút lòng tin, biến cạnh tranh thành hợp tác.
Myanmar dự đoán rằng ASEAN sẽ cần gia tăng nỗ lực để phát triển toàn diện, bền vững. Thách thức để hiện thực hóa các nỗ lực này là không hề nhỏ. Tuy nhiên, các hành động kịp thời của Kế hoạch Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 bao gồm các trọng tâm mới như Chuỗi giá trị toàn cầu (GVCS), thực tiễn về quản lý tốt, phát triển bền vững, xu hướng lớn trên quy mô toàn cầu, các vấn đề thương mại mới nổi, sẽ giúp đảm bảo tính bền vững của kinh tế khu vực, tính toàn diện nhằm chia sẻ thịnh vượng một cách đồng đều hơn.
Myanmar mong muốn Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025 sẽ được triển khai đầy đủ, hiệu quả. Các lĩnh vực mà MPAC 2025 chú trọng đến như phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, đổi mới số, dịch vụ logistics không dán đoạn, đổi mới hoạch định chính sách, dịch chuyển con người, là phương tiện quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống, việc làm cho người dân ASEAN đồng thời hiện thực hoá cam kết về một "ASEAN: Cộng đồng mở ra cơ hội cho mọi người".
Myanmar kỳ vọng các nước trong khu vực tiếp tục cam kết tăng cường hợp tác sâu rộng hơn trong các lĩnh vực như kinh tế kỹ thuật số, thương mại điện tử để tận dụng tối đa Khuôn khổ Quản trị dữ liệu số ASEAN, Hiệp định ASEAN về thương mại điện tử cùng các chương trình đang vận hành thực hiện Lộ trình đổi mới sáng tạo ASEAN, Hướng dẫn phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng với 4IR.
Thông qua các cam kết chung mạnh mẽ hơn, cống hiến tích cực hơn, phối hợp nhịp nhàng hơn, Myanmar tin rằng tầm nhìn về một Cộng đồng ASEAN gắn kết, toàn diện, tự cường sẽ được hiện thực hóa trong tương lai gần.