Những số liệu gần đây nhất từ Ngân hàng Thế giới cho thấy nền kinh tế Myanmar sẽ tăng trưởng ở mức khiêm tốn 2% trong năm tài khóa này, trong khi tỷ lệ nghèo đói được dự báo tăng từ 22,4% vào cuối năm 2019 lên 27%. Trước cuộc đảo chính, Fitch Solutions dự đoán Myanmar sẽ đạt mức tăng trưởng 6% vào năm tài khóa tiếp theo. Nhưng giờ đây, con số này chỉ còn một nửa.
Người biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Yangon, Myanmar. (Nguồn: Reuters) |
Khó tìm lối thoát ở Myanmar
Nền kinh tế Myanmar, vốn đang lao đao vì các hạn chế do đại dịch Covid-19, nay lại thêm “đau đớn” khi cuộc đảo chính quân sự khiến các nhà đầu tư nước ngoài bối rối, gây rủi ro cho hàng tỷ USD đang nằm trong các dự án đầu tư.
Sau cuộc lật đổ chính quyền, quân đội Myanmar giành quyền kiểm soát đất nước, hàng chục nghìn người đã xuống đường trong cuộc biểu tình lớn nhất xứ Chùa Vàng trong hơn một thập kỷ qua. Các chính phủ phương Tây quyết liệt lên án cuộc đảo chính, Washington đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với quân đội nếu quyền lực không được phục hồi cho chính quyền dân sự.
Nhà phân tích David Mathieson có trụ sở tại Yangon nói với hãng tin AFP rằng, những gì tiếp theo mà thế giới được chứng kiến có thể sẽ khiến rất nhiều nhà đầu tư phương Tây “không tìm thấy lối thoát”.
Đã 10 năm kể từ khi nền kinh tế Myanmar mở bung cửa ra thế giới. Từ một trong những quốc gia nghèo nhất ở Đông Nam Á, với dân số 54 triệu người, Myanmar trở thành “miền đất hứa” mở cửa cho các khoản đầu tư nước ngoài vào năm 2011. Sau đó, ngay khi Mỹ bắt đầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đầu tiên (2015), cũng là lúc làn sóng đầu tư ồ ạt đổ vào Myanmar.
Quá trình tự do hóa và hiện đại hóa các thể chế, hệ thống kinh tế và tài chính sau đó, cũng như cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên, vào năm 2015, đã dẫn đến một “giấc mơ” về tăng trưởng kinh tế - trung bình hơn 7%/năm, với các khoản đầu tư khổng lồ từ những tên tuổi quốc tế đình đám như Coca-Cola, Mastercard, Ford Motor Co, H&M, Adidas...
Các nhà đầu tư nước ngoài “nóng lòng” muốn khám phá tiềm năng chưa từng được khai thác của đất nước này, đã bơm hàng tỷ USD vào các lĩnh vực, từ dầu khí, điện, sản xuất, vận tải, đến truyền thông...
Tuy nhiên, vị thế quốc tế và sự hấp dẫn của đất nước này phần nào bị giảm sút sau cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya (năm 2017), khiến các nhà đầu tư phương Tây phải e dè và đà cải cách chậm lại. Giới phân tích nhận định, việc quân đội một lần nữa chiếm quyền điều hành quốc gia đã khiến “sợi dây cuối cùng” níu kéo các doanh nghiệp phương Tây đã đứt.
| Chính biến ở Myanmar: Từ các góc nhìn đến kịch bản TGVN. Myanmar vốn đã khó khăn, sau chính biến càng khó hơn. Thời gian tới, tình hình Myanmar có thể diễn biến theo kịch bản ... |
Tầm ảnh hưởng của Mỹ, EU và cơ hội cho Trung Quốc
Các nhà phân tích cho rằng, hậu quả kinh tế có thể sẽ rất đáng kể, nếu cả EU và Mỹ thắt chặt các hạn chế đối với Myanmar. Mỹ có thể tái áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty có liên hệ với quân đội nhưng tác động của lệnh trừng phạt có thể bị hạn chế do Washington không nằm trong số các nhà đầu tư hoặc đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar.
Nhưng nếu Mỹ sử dụng lệnh hạn chế như trước đây, loại bỏ hoàn toàn Myanmar khỏi lĩnh vực tài chính của mình, thì hậu quả sẽ lớn hơn nhiều. Theo đó, hầu hết các khoản đầu tư nước ngoài có thể bị cắt giảm, sẽ khiến thương mại với các đối tác khác ngoài Trung Quốc trở nên khó khăn. Gareth Leather, nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại Capital Economics phân tích trên tờ DW, nhưng cho rằng, ông không nghĩ Washington sẽ đi xa đến vậy.
Tuy nhiên, với EU lại là tình huống khác. EU là đối tác thương mại lớn thứ ba của Myanmar, có khả năng giáng một đòn mạnh hơn vào các doanh nghiệp Myanmar, bằng cách loại bỏ các ưu đãi thương mại đặc biệt mà họ đang được hưởng. Chuyên gia Leather cho biết, EU có thể tước bỏ các ưu đãi thương mại đã dành cho Myanmar, chẳng hạn, cắt ưu đãi về xuất khẩu hàng dệt may và hàng may mặc.
Xuất khẩu hàng dệt may Myanmar sang EU đã tăng gấp 20 lần kể từ khi nước này được cấp quyền tiếp cận thị trường đặc biệt theo kế hoạch “Mọi thứ trừ vũ khí” của EU vào năm 2013 và hiện đóng góp gần 3% GDP của Myanmar.
Theo chuyên gia Leather, sự phát triển khu vực sản xuất giản đơn có tính cạnh tranh như dệt may thường là con đường thoát nghèo cho các nước thu nhập thấp ở châu Á, vì vậy việc con đường này bị hạn chế sẽ có những hậu quả lâu dài.
Các nước châu Á lấn lướt cả EU và Mỹ khi đầu tư vào Myanmar. Singapore là nhà đầu tư lớn nhất của nước này, chiếm hơn 40% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ năm 2011-2020. Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Myanmar, đứng sau với hơn 20% thị phần.
Các công ty Nhật Bản cũng đã đổ 1,7 tỷ USD vào Myanmar kể từ năm 2011. Các hãng xe Nhật, như Suzuki Motor hay Toyota Motor tham gia thị trường này từ sớm và đang trong quá trình gia tăng sự hiện diện.
Các nhà phân tích cho rằng, bất kỳ biện pháp cứng rắn nào từ Mỹ hoặc EU sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc xây dựng tầm ảnh hưởng của mình ở Myanmar, vốn đã được thể hiện với Sáng kiến Vành đai và Con đường. Theo nhà kinh tế cấp cao của Capital Economics, “Trung Quốc sẽ thấy sự mở cửa của Myanmar với phương Tây đã gần kết thúc”.