Tổng thống Mỹ Donald Trump - người từ lâu đe dọa hủy bỏ Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) dường như đã cảm thấy hài lòng, khi ông phát biểu rằng NAFTA 2.0 đã bỏ đi những yếu tố không chắc chắn. Tuy nhiên, sẽ không gọi là NAFTA nữa, mà là Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) như ý của ông Trump. Và như vậy, ông ấy cũng đã chính thức hoàn thành lời hứa bầu cử quan trọng của mình, khi giải quyết xong các mối quan hệ kinh tế với các láng giềng quan trọng.
NAFTA 2.0 có gì mới ?
Tại buổi họp báo hôm thứ Hai (1/10), giới quan sát đã đặt khá nhiều câu hỏi về những thay đổi thực sự từ Hiệp định bản gốc, khiến Tổng thống Trump phải nói với các phóng viên rằng, “Đây không phải là một hiệp định NAFTA được làm lại. Đó là một thương vụ mới”.
Thương vụ mới đó là gì? Tờ Bloomberg vừa đưa ra bình luận, liệu có phải ông Trump muốn đạt bằng được thỏa thuận mới với các đối tác thương mại lớn và cũng là đối tác thương mại chính của Trung Quốc để gây sức ép lên nước này, cũng như nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại kéo dài với Bắc Kinh.
Sẽ không còn NAFTA nữa, mà là Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA). (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Bằng chứng là, chỉ trong vài tuần qua, Tổng thống Trump đã nhanh chóng giải quyết khá ổn thỏa các mối tranh chấp với các đối thủ cạnh tranh thương mại lớn, bao gồm: ký thỏa thuận vào phút chót với Canada và Mexico, ký thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc và thuyết phục Nhật Bản bắt đầu các cuộc đàm phán kinh tế song phương. Giới chuyên gia nhận định rằng, những bằng chứng này đã khắc họa rõ nét hơn chính sách thương mại cứng rắn của Washington với Bắc Kinh, để đòi lại công bằng trong thương mại.
Xem xét kỹ hơn nội dung USMCA, một điều khoản đặc biệt trong đó sẽ cho phép Washington quyền phủ quyết đối với bất kỳ nỗ lực nào của Canada hoặc Mexico trong việc đồng ý thỏa thuận thương mại tự do với một nền kinh tế phi thị trường.
Cụ thể, USMCA quy định rõ, các bên của thỏa thuận này “có quyền được thông báo về việc đàm phán FTA giai đoạn đầu với một nền kinh tế phi thị trường và có thể xem xét bất kỳ thỏa thuận nào được ký bởi nước thành viên khác”. Nếu 1 trong 3 nước tham gia ký FTA với một quốc gia “phi thị trường”, một trong hai thành viên còn lại có quyền chấm dứt USMCA theo Điều 32.10 với thông báo kéo dài 6 tháng và tự hình thành thỏa thuận song phương với các điều khoản tương tự.
Khi USMCA không chỉ là Bắc Mỹ
Như vậy, rõ ràng Washington đã luôn nghĩ đến Trung Quốc khi họ đàm phán thỏa thuận thương mại mới với Mexico và Canada về việc thay thế NAFTA. Mặc dù quy định này không nêu tên bất kỳ quốc gia cụ thể nào, nhưng người ta dễ dàng hiểu rằng, Trung Quốc đang là mục tiêu bị nhắm tới.
Tờ SCMP nhận định, điều khoản này đã tạo ra mối đe dọa lớn đến vị trí của Trung Quốc trong hệ thống thương mại toàn cầu. Với sức mạnh xem xét và sau đó là cản trở, thậm chí phủ nhận FTA có thể giữa Trung Quốc với Canada hay Mexico, Mỹ có thể chặn “sân sau” của các sản phẩm từ Bắc Kinh muốn thâm nhập vào thị trường Mỹ thông qua các nước láng giềng.
Cụ thể hơn, trong Quy tắc xuất xứ của thỏa thuận, quy định giá trị của một chiếc xe cần được sản xuất trong khu vực, được Washington tuyên bố là một công cụ loại trừ nguyên liệu đầu vào của Trung Quốc và khuyến khích sản xuất, đầu tư ở Mỹ và Bắc Mỹ. Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Canada Flavio Volpe cho rằng, Mỹ dường như thực sự tập trung vào việc ngăn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc giành được thị phần tại nước này.
Đưa ra nhận định có tính vĩ mô hơn, hãng tin Reuters cho rằng, không chỉ vậy, các điều khoản mới có thể còn làm giảm đáng kể sức mạnh đàm phán của Bắc Kinh với các hiệp định thương mại có thể trong tương lai. Nếu Mỹ đưa điều khoản tương tự vào FTA đang đàm phán với EU và Nhật Bản, thì Trung Quốc gần như sẽ rơi vào trạng thái bị cô lập về kinh tế, khi đây là những đối tác thương mại lớn với Bắc Kinh, cũng là những tia hy vọng bù đắp tổn thương thương mại khi đối đầu với Mỹ.
Đối với nền kinh tế toàn cầu, theo các nhà kinh tế của JPMorgan Chase New York, đây là một tin tốt và một tin xấu. Ở mặt tích cực, nó cho thấy ông Trump không phải là một người tôn sùng chủ nghĩa cô lập cực đoan, phản đối tất cả các loại hình thương mại. Các thỏa thuận mới cho thấy, Chính quyền Trump sẵn sàng ký kết các giao dịch thương mại mới miễn là họ giải quyết được các mối quan ngại cốt lõi của nền kinh tế số 1 thế giới. Mặt kia, Mỹ dường như đang chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại kéo dài với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Với tầm ảnh hưởng của hai người khổng lồ, “chiến sự” chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kinh tế cả hai nước và tăng các nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu.
Theo kế hoạch, NAFTA phiên bản mới, hay nói đúng hơn là USMCA sẽ cần phải được thông qua bởi Chính phủ cả 3 nước và dự kiến Quốc hội Mỹ sẽ chưa xem xét thỏa thuận này cho đến đầu năm sau. Tuy nhiên, bằng cách chốt thỏa thuận với các nước láng giềng quan trọng của mình và bắt đầu các cuộc đàm phán với các đồng minh Nhật Bản và Liên minh châu Âu, Tổng thống Mỹ Trump đang tập trung cho kế hoạch tăng cường vị thế đàm phán của Mỹ với đối thủ chiến lược Bắc Kinh, trong cuộc chiến thương mại lịch sử.