📞

NAFTA và hành trình có quá nhiều trắc trở

08:00 | 24/10/2017
Các nhà đàm phán Mỹ, Mexico và Canada thừa nhận rằng họ có “một khoảng khác biệt về nhận thức khá quan trọng” trong quá trình thương thảo.

Vòng đàm phán mới đây của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) kết thúc vào 17/10 tại Washington mà không đem lại kết quả nào. Như vậy, ba nước thuộc hiệp định này đã không đạt được mục tiêu ban đầu là hoàn thiện việc đàm phán lại vào cuối năm nay, mà phải kéo dài thời hạn đến quý đầu năm 2018.

Khó khăn tiếp tục phát sinh khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai đề cập khả năng chấm dứt thỏa thuận NAFTA sau 23 năm hoạt động, cho rằng hiệp định hiện tại gây bất lợi cho Mỹ.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo Villarreal tại Washington, ngày 16/8. (Nguồn: AP)

Đề xuất khó chấp thuận

Một trong những đề xuất gây tranh cãi liên quan đến Chương 19 của NAFTA. Cơ chế này cho phép các doanh nghiêp hoặc nhà sản xuất tại Canada, Mỹ hoặc Mexico có thể yêu cầu thành lập ủy ban song phương khi họ bị ảnh hưởng bởi một đạo luật thương mại không phù hợp. Các tranh chấp sẽ không được giải quyết tại tòa án của mỗi quốc gia, mà chỉ được giải quyết giữa các thành viên của hiệp định. Mỹ muốn huỷ bỏ chương 19 của thỏa thuận, trong khi Mexico và Canada bác bỏ đề xuất này.

Trọng tâm khác trong cuộc thương thảo giữa các thành viên NAFTA liên quan đến việc Chính phủ Mỹ đề nghị xoá bỏ miễn thuế được quy định giữa các thành viên NAFTA. Theo đó, những chiếc xe hơi lắp ráp ở Mexico và xuất sang Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 2,5%, với xe tải là 25%. Nhận xét về vấn đề này, ông Raymundo Tenorio Aguilar, Giám đốc Khoa Kinh tế thuộc Viện Công nghệ Monterrey chia sẻ: “Điều này là không thể chấp nhận được, đặc biệt là đối với những hàng hoá đã có thuế suất bằng 0. Thậm chí các doanh nhân Mỹ cũng không đồng ý vì nó sẽ làm giảm đi lợi thế cạnh tranh của họ”.

Mỹ cũng đề xuất xây dựng cơ chế ngăn chặn “thao túng tỷ giá hối đoái” của các đồng tiền trong NAFTA, tránh tình trạng có “lợi thế cạnh tranh không công bằng”. Đây là một vấn đề khó nhượng bộ vì cách đây vài thập kỷ, trị giá đồng Peso của Mexico được xác định dựa trên thị trường tài chính. Còn theo các chuyên gia, chấp nhận cơ chế này có nghĩa là trao quyền kiểm soát tiền tệ của Mexico cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Tác động khôn lường

Theo các chuyên gia, sự sụp đổ của NAFTA có thể sẽ vượt xa biên giới của ba nước và tác động mạnh tới tất cả các nước Mỹ Latin.

Năm ngoái, Mexico có thương mại song phương gần 580 tỷ USD với Mỹ. Do đó, quốc gia này chắc chắn sẽ là một trong những nạn nhân chính trong “cơn địa chấn”, đồng thời khiến cho kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mexico sắp tới khó đoán hơn.

Tuy nhiên, điều đó không khiến Chính phủ Mexico quay lại với tăng cường bảo hộ mậu dịch. Gần đây, quốc gia này đã tăng cường mối quan hệ kinh tế với Chile, Colombia và Peru trong khuôn khổ Liên minh Thái Bình Dương, một khối thương mại, trong đó 94% trao đổi hàng hoá được miễn thuế.

Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo tiết lộ nước ông đang có “kế hoạch B” song song với việc đàm phán lại NAFTA, nhằm tìm kiếm thị trường ở các khu vực khác, bao gồm việc mở rộng ưu đãi thương mại với Brazil và Argentina. Điều này sẽ cho phép Mexico mua các sản phẩm nông nghiệp hoặc thịt từ các nước Nam Mỹ để thay thế nhập khẩu từ Mỹ nếu phải đóng thuế cao hơn. Mexico City cho biết đã sẵn sàng nhận lô hàng 30.000 tấn lúa mì đầu tiên của Argentina vào tháng 12 tới.

(theo BBC)