📞

Năm 2016, Hà Nội xảy ra 1.552 vụ tai nạn giao thông làm 594 người chết

18:15 | 26/12/2016
Theo báo cáo của Hà Nội, so với cùng kỳ năm 2015, năm 2016 số vụ tai nạn giao thông giảm 144 vụ, tương đương 8,5%, giảm 08 người chết, tương đương 1,3%, giảm 125 người bị thương, tương đương 8,7%. 

Sáng 26/12, UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại TP. Hà Nội, TPHCM và triển khai kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2017 trên địa bàn thành phố.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội: Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP của Chính phủ, thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo quyết liệt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết. Qua đó, bộ mặt giao thông thành phố đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Lê Sơn)

Cụ thể, nhiều công trình hạ tầng giao thông của Thủ đô đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, như các tuyến đường cao tốc, đường vành đai, trục chính xuyên tâm, cầu vượt tại các nút giao, cầu vượt sông, các tuyến đường kết nối nội đô, ngoại thành… góp phần làm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Công tác tổ chức giao thông, duy tu, duy trì bảo đảm trật tự an toàn giao thông được đẩy mạnh, bảo đảm cầu đường êm thuận phục vụ nhân dân đi lại an toàn. Vận tải hành khách công cộng tiếp tục được đẩy mạnh cả về số lượng, chất lượng phục vụ, góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Việc thiết lập trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị được đẩy mạnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, văn hoá giao thông được triển khai thường xuyên, liên tục, có chiều sâu, góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông…

Số điểm ùn tắc giao thông được tập trung giải quyết và giảm dần về cả số lượng, thời gian. Năm 2010 có 124 điểm, đến nay giảm còn 41 điểm; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, không những cho Thủ đô còn phục vụ phát triển vùng Thủ đô và cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải còn hạn chế, nhiều công trình có kế hoạch không bố trí được vốn nên triển khai chậm, tình hình giao thông trên địa bàn vẫn còn ùn tắc và tiềm ẩn diễn biến phức tạp, mạng lưới vận tải hành khách công cộng được quan tâm đầu tư nhưng vận tải đường sắt đô thị vẫn đang trong quá trình xây dựng…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương những kết quả mà thành phố Hà Nội đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP đã mang lại lợi ích chung cho cả nước và thành phố. Bởi Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá, khoa học và giáo dục của quốc gia. Hà Nội có sức thu hút, lan toả, ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của cả khu vực Bắc Bộ, vùng trọng điểm kinh tế đồng bằng sông Hồng và sự phát triển bền vững của cả nước.

Thành phố đã huy động được sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, tập trung đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, công tác quản lý, duy tu và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, chủ động sáng tạo đưa ra nhiều giải pháp đột phá để giảm ùn tắc giao thông, như xây dựng cầu vượt thép, điều chỉnh giờ làm việc và học tập, phát triển vận tải hành khách công cộng. Đồng thời, hoàn thành nhiều dự án giao thông trọng điểm, như mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến đường cao tốc từ Hà Nội đi các tỉnh, dần khép kín đường vành đai 1, các hầm chui. Đặc biệt, hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều cầu qua sông Hồng, như cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Vĩnh Tuy, cầu Đông Trù… góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Bên cạnh những thành tích quan trọng đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: Thành phố vẫn đang đứng trước thách thức với nguy cơ ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông với diễn biến còn nhiều phức tạp. Điều đó đòi hỏi thành phố cần tiếp tục tập trung chỉ đạo một số vấn đề lớn, như quan tâm đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch với việc đầu tư hạ tầng đồng bộ hơn, từng bước hiện đại hoá kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị và nông thôn kết hợp với hạ tầng giao thông nối với các tỉnh phía Bắc. Đẩy mạnh xã hội hoá, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý và điều hành giao thông của một đô thị thông minh. Từ đó, tạo tuyến hành lang an toàn, thông suốt theo đúng quy hoạch vùng Thủ đô cũng như quy hoạch giao thông vận tải được Thủ tướng phê duyệt.

Thành phố cần tăng cường quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực, như tổ chức giao thông, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, rà soát các tuyến đường và nút giao thông có nguy cơ ùn tắc để có phương án khắc phục. Tổ chức tốt quản lý vận tải hành khách, bố trí phân luồng tuyến ra vào các bến xe hợp lý, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm giao thông, tổ chức giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, giải toả lòng đường, vỉa hè.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người dân, tạo thói quen sử dụng phương tiện vận tải công cộng. Huy động sự tham gia mạnh mẽ của nhân dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.