📞

Năm 2018, đầu tư của Trung Quốc tác động nhiều tới kinh tế Việt Nam

14:21 | 12/02/2018
Đó là nhận định của GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda Nhật Bản, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. 

Theo GS. Trần Văn Thọ, một Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ, cùng với việc tăng cường đầu tư ra nước ngoài sẽ tác động nhiều tới kinh tế Việt Nam trong năm 2018.

Đây không phải là vấn đề mới, khi nền kinh tế Trung Quốc trước đó đã có nhiều tác động, ảnh hưởng tới khu vực. Tuy nhiên, một xu hướng được cho là mới, đó là việc lần đầu tiên vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã vượt so với vốn đầu tư từ nước ngoài vào nước này. Năm 2016, vốn đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài tăng vọt lên 183 tỷ USD, trong khi vốn đầu tư từ nước ngoài là 134 tỷ USD.

Đối với Việt Nam, trong năm 2017, Trung Quốc cũng vươn lên trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 4 vào Việt Nam, chưa kể nguồn đầu tư gián tiếp, thông qua trung gian. 

Ngoài ra, với việc đẩy mạnh các chiến lược đề ra sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh hưởng của nước này đối với kinh tế các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, sẽ ngày càng mạnh mẽ. 

Các khu công nghiệp kết hợp cảng biển sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. (Nguồn: Quangninh.gov)

Bên cạnh đó, GS. Trần Văn Thọ nhấn mạnh rằng, việc Việt Nam thực hiện lộ trình cắt giảm thuế theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, cũng như các FTA mới sẽ được ký kết như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay còn gọi là TPP11 (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương khi Mỹ rút đi) cũng sẽ tác động mạnh tới kinh tế Việt Nam. Đây là những cơ hội về thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam, song cũng đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp nhanh chóng để tăng cường năng lực cạnh tranh. 

Trước các yếu tố bên ngoài tác động nêu trên, GS. Trần Văn Thọ cho rằng, Việt Nam cần phải tăng cường nội lực bằng cách khuyến khích, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước, có thể thông qua những chính sách ưu đãi; đánh giá lại các chính sách kinh tế liên quan để có điều chỉnh hợp lý như chính sách tiếp nhận đầu tư nước ngoài, không quá chú trọng về lượng, mà phải tập trung về chất, lựa chọn các dự án đầu tư phù hợp, nguồn đầu tư tin cậy; những lĩnh vực mà bản thân doanh nghiệp trong nước giải quyết được thì hạn chế đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực này; cùng với đó là chính sách liên quan tới đấu thầu cũng cần được điều chỉnh sao cho đảm bảo chất lượng và cân bằng, tránh phụ thuộc vào một quốc gia nhất định, ưu tiên những công nghệ mới, hiện đại từ các quốc gia phát triển. 

Ngoài ra, GS. Trần Văn Thọ cho rằng, Việt Nam cần xem xét đến việc phân quyền giữa trung ương và địa phương trong thu hút đầu tư; đảm bảo cấp xét duyệt phải có đủ năng lực tránh tiếp nhận các dự án tác động xấu tới môi trường, xã hội. Đối với hình thức đầu tư, để hướng tới chuyển giao công nghệ, tăng cường nội lực cần kêu gọi các hình thức liên doanh và đặc biệt là mô hình “liên kết hàng dọc”, nghĩa là doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn doanh nghiệp trong nước cung cấp nguyên liệu, tham gia vào chuỗi sản xuất, song song với tăng cường năng lực cho doanh nghiệp trong nước.

Ví dụ như Việt Nam cần lập danh mục doanh nghiệp có năng lực trong những lĩnh vực khác nhau để giới thiệu, đưa các doanh nghiệp này vào mô hình “liên kết hàng dọc” kết hợp với các chính sách hỗ trợ cụ thể; làm được điều này phải có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, bộ, ngành. Bên cạnh đó để giảm thiểu các nguy cơ, ngoài việc xét tới những vấn đề kinh tế, cần khôn khéo, chặt chẽ trong lựa chọn đầu tư, tính toán cả các vấn đề phi kinh tế. 

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhận định về xu hướng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trong năm 2018, GS. Trần Văn Thọ cho rằng việc Nhật Bản trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong năm 2017 cho thấy môi trường đầu tư tại Việt Nam vừa qua được các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao. Giữa Việt Nam và Nhật Bản cũng có nhiều nét tương đồng về văn hóa như cùng chịu ảnh hưởng bởi nho giáo và chữ hán, đây là điều khiến hai nước có sự gần gũi. Sự gần gũi đã khiến các nhà đầu tư Nhật Bản có những thiện cảm muốn đầu tư và giúp Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh. Sáng kiến chung Việt - Nhật thành lập từ năm 2003 đã cho thấy điều đó. Đến nay sáng kiến này vẫn được tiếp tục thúc đẩy với giai đoạn thứ VI và một trong những hướng đi mới là tăng năng suất lao động, qua đó thể hiện sự kiên trì của Nhật Bản đối với Việt Nam. 

Bên cạnh đó, GS. Trần Văn Thọ cho rằng việc Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam là một tín hiệu tốt đối với kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tỷ lệ đầu tư từ các nước phát triển vào Việt Nam vẫn còn thấp. Tuy nhiên, Việt Nam cần tích cực cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh. Dự báo trong thời gian tới, xu hướng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam tiếp tục được duy trì trong các lĩnh vực chủ yếu như chế tạo máy, cùng với trào lưu đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xét về dân số, Việt Nam là một nước lớn vì vậy sẽ có nhiều lĩnh vực thu hút đầu tư. 

Theo GS. Thọ, Việt Nam cần khuyến khích đầu tư từ Nhật Bản và phát triển ngành công nghiệp thực phẩm, bên cạnh đó tiếp tục thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ chất lượng cao.

(theo TTXVN)