📞

Năm 2020: Hòa bình về thương mại vẫn còn xa vời

23:01 | 08/01/2020
TGVN. Theo phân tích của tờ The Sunday Times ngày 5/1, khi bước vào năm 2020, thế giới sẽ phải đối mặt với một năm căng thẳng thương mại nữa. Theo đó, Mỹ và Trung Quốc đang đình chiến, nhưng đây mới chỉ là giải pháp tạm thời.     
Năm 2020, tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu. (Nguồn: Beef Magazine)

“Hòn đá tảng” trên con đường hòa bình thương mại

Theo tờ The Sunday Times, ở khía cạnh tích cực, các nền kinh tế châu Á sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Hiệp định này sẽ tạo ra khối thương mại lớn nhất thế giới; EU sẽ thăm dò các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau FTA mang tính bước ngoặt với Singapore (có hiệu lực từ ngày 21/11/2019); trong khi Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể tiến tới hiệp định thương mại 3 bên.

Mặc dù vậy, tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu. Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai nước sẽ được ký kết vừa qua là một món quà Giáng Sinh ý nghĩa. Nếu tất cả mọi việc diễn ra tốt đẹp thì hai bên có thể tiến tới đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn hai.

Tuy nhiên, có ít nhất 2 lý do để tin rằng sự đình chiến giai đoạn một là mong manh. Trước hết, Mỹ đòi hỏi những cam kết của Trung Quốc về nhập khẩu. Để thực hiện những cam kết này, Trung Quốc cần có sự đối xử ưu đãi đối với các sản phẩm của Mỹ. Điều này gây phương hại cho các sản phẩm từ các nước khác, vi phạm các quy định của WTO. Thứ hai, mặc dù các biện pháp mà Trung Quốc cam kết nằm trong lợi ích của chính nước này, nhưng tiến bộ trong việc thực hiện cam kết sẽ không phải do một tổ chức độc lập như WTO mà do Mỹ đánh giá.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần thực hiện các cam kết của mình “ngay lúc này với mọi chi tiết”. Bất kỳ điều gì được cho là không giữ lời hứa sẽ bị đáp trả bằng việc áp đặt trở lại các mức thuế quan. Điều này không được ghi trong thỏa thuận giai đoạn một.

Nguy cơ sử dụng "luật rừng"

Một nguy cơ khác đối với hệ thống thương mại toàn cầu là WTO đang trong tình trạng khủng hoảng. Kể từ ngày 11/12/2019, cơ quan phúc thẩm của tổ chức này, tương đương với tòa án tối cao, đã hoạt động không đúng chức năng.

Trong khi một phiên nghe kháng cáo cần ít nhất 3 thẩm phán thì giờ đây cơ quan phúc thẩm này chỉ còn một thẩm phán, do kể từ năm 2017 Mỹ đã cản trở việc bổ nhiệm các thẩm phán mới. Vì vậy, bất kỳ sự kháng cáo nào đối với quyết định của ban giải quyết tranh chấp sẽ mất nhiều thời gian hơn để giải quyết.

Điều này cũng mở đường cho các nước sử dụng các biện pháp đơn phương mà không bị trừng phạt bởi luật pháp quốc tế để giải quyết những khó khăn về thương mại.

Tờ The Sunday Times nhận định, thế giới đang đứng trước nguy cơ sử dụng “luật rừng” về thương mại mặc dù những tranh chấp giữa các bên có nguy cơ vượt ra khỏi tầm kiểm soát khi những hành động đơn phương được đáp lại bằng những hành động trả đũa, điển hình như tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc, Mỹ và EU.

Brexit bất ổn

Với việc thỏa thuận rút khỏi EU của Thủ tướng Boris Johnson đã được Hạ viện Anh thông qua lần thứ nhất, thời hạn để Brexit diễn ra là ngày 31/1/2020. Trong khi các thị trường ban đầu coi đây là tín hiệu tốt, một sự xem xét kỹ lưỡng thỏa thuận ra đi của ông Johnson làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng.

Vấn đề chính liên quan đến giai đoạn quá độ, theo đó Anh sẽ vẫn nằm trong Liên minh hải quan của EU, giữ lại được những đặc quyền đặc lợi về thương mại hiện có của nước này. Tuy nhiên, thỏa thuận ra đi mới cấm việc gia hạn giai đoạn quá độ vượt quá 1 năm. Nói cách khác, Anh sẽ rời EU vào ngày 31/12/2020, dù có được thỏa thuận, thỏa thuận một phần hay không thỏa thuận.

Có thể nói, ông Johnson đang đánh bạc với thời hạn này, và đây là một canh bạc rủi ro lớn. Những vấn đề được đàm phán giữa Anh và EU là rất rộng và phức tạp, bao gồm không chỉ các điều kiện về tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ, mà còn cả các quy định về cạnh tranh, tiêu chuẩn lao động và môi trường, trợ giúp của nhà nước đối với doanh nghiệp, nguyên tắc tài chính, quyền sở hữu trí tuệ…

Thỏa thuận giữa Anh và EU không thể bao gồm được hết tất cả các vấn đề này, cộng với việc có được sự phê chuẩn của 27 nước thành viên trong vòng 12 tháng dường như là điều bất khả thi.

Trong khi một “Brexit không thỏa thuận” không thể được thực hiện, kịch bản có khả năng nhất là thỏa thuận một phần; vấn đề duy nhất là một phần sẽ như thế nào. EU chắc chắn sẽ tìm cách ngăn chặn Anh đi chệch hướng khỏi những tiêu chuẩn quy định của EU mà nhờ vậy giành được lợi thế không công bằng trước các công ty của EU.

Kết quả cuối cùng của thỏa thuận thương mại một phần sẽ có nghĩa là năm 2020, các công ty, người nông dân, ngân hàng, ngư dân và người lao động khác ở cả Anh và EU sẽ không biết được tương lai của họ sẽ ra sao. Canh bạc của ông Johnson đối với Brexit đã thực sự gây ra những bất trắc mới.

(theo The Sunday Times)