Toàn cảnh Tập huấn công tác phòng ngừa và ứng phó thảm họa năm 2022. (Nguồn: Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) |
Tham dự tập huấn có đại diện Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, đại diện các bộ, ngành liên quan; đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế, các đối tác quốc tế trong và ngoài nước, các doanh nghiệp và Hội Chữ thập đỏ 52 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Năm 2021 được đánh giá là một năm “mưa thuận gió hòa” với mức thiệt hại ít hơn nhiều so với năm 2020 và gần như thấp nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động, trong đó có hoạt động phòng ngừa thiên tai và ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai các hoạt động hỗ trợ phục hồi trong các lĩnh vực can thiệp như: Nhà ở, vệ sinh nước sạch, sinh kế…từ nguồn Lời kêu gọi trong nước và quốc tế ủng hộ nhân dân miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020; hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng rét đậm, rét hại tại các tỉnh miền núi phía Bắc; hỗ trợ 2 tỷ đồng để sửa chữa, xây nhà an toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn bị ảnh hưởng bởi mưa lũ tại các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Phú Yên, Thừa Thiên Huế trong Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”; trao tặng 15.000 bộ áo phao cứu sinh đa năng cho ngư dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn tại 12 tỉnh miền Trung; trao tặng Công trình 75 nhà phòng chống bão, lũ tại tỉnh Quảng Trị góp phần giúp nhân dân địa phương có chỗ tránh trú an toàn khi mùa mưa lũ đến.
Đối với hoạt động ứng phó dịch bệnh Covid-19, Hội đã triển khai lồng ghép trong các hoạt động hưởng ứng Tháng Nhân đạo năm 2021, tổ chức kịp thời nhiều chương trình, chiến dịch hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, như: Chiến dịch “Kết nối cộng đồng - Vượt qua thách thức”, Chiến dịch “Chung sức cùng người dân tiêu thụ nông sản”, Chương trình “Hỗ trợ lao động ngoại tỉnh, lao động từ vùng dịch trở về địa phương mất thu nhập do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19”.
Đây là dịp để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các đại biểu đánh giá, tổng kết, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, những chương trình, mô hình hay, công tác điều phối, phối hợp trong phòng ngừa, ứng phó thiên tai, dịch bệnh và sự cố nghiêm trọng năm 2021. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các cấp Hội rà soát, chuẩn bị các nguồn lực; vận động nguồn lực từ các đối tác trong và ngoài Phong trào để có thể chủ động trong các hoạt động cả giai đoạn phòng ngừa và ứng phó.
Để sẵn sàng phòng ngừa và ứng phó thảm họa trong năm 2022, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chú trọng công tác huy động nguồn lực nhằm tăng tính chủ động, đặc biệt là các hoạt động ở giai đoạn phòng ngừa nhằm giảm thiểu thiệt hại cho giai đoạn ứng phó; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, dịch bệnh và sự cố nghiêm trọng; sử dụng hiệu quả nguồn lực cứu trợ; thực hiện chế độ ứng trực, thông tin, báo cáo chặt chẽ, nghiêm túc và sử dụng linh hoạt, đảm bảo an ninh, an toàn các lực lượng tham gia công tác cứu trợ khẩn cấp.
Đối với hoạt động ứng phó dịch bệnh Covid-19, các cấp Hội tiếp tục vận động các đối tác, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ tiền, hàng, hỗ trợ đời sống, sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 tại cộng đồng; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong việc chuyển đổi hình thức hội nghị/tập huấn từ trực tiếp sang hình thức họp trực tuyến kết hợp trực tiếp để đảm bảo các hoạt động của của các cấp Hội được triển khai theo kế hoạch đồng thời giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm do dịch bệnh.