📞

Năm 2024: Xe máy chỉ lắp 1 gương chiếu hậu có bị phạt không?

13:12 | 25/01/2024
Gương chiếu hậu được xem như vật bất ly thân với chiếc xe. Vậy nếu xe máy chỉ lắp 1 gương chiếu hậu thì có bị phạt không?
Năm 2024: Xe máy chỉ lắp 1 gương chiếu hậu có bị phạt không?

Gương chiếu hậu dùng để làm gì?

Theo QCVN 28:2010/BGTVT, gương chiếu hậu: Bộ phận được thiết kế dùng để quan sát phía sau.

*Kiểu gương chiếu hậu: Các gương chiếu hậu được coi là cùng kiểu nếu có cùng nhãn hiệu, nhà sản xuất, dây chuyền sản xuất và không có sự khác biệt về các đặc tính kỹ thuật chính sau đây:

- Kích thước và bán kính cong bề mặt phản xạ của gương;

- Kết cấu, hình dáng hoặc vật liệu chế tạo gương và các bộ phận liên kết với xe.

Mức phạt lỗi không gương chiếu hậu 2024 bao nhiêu? Xe máy chỉ lắp 1 gương chiếu hậu có bị phạt không?

Gương chiếu hậu không chỉ là “vật bất ly thân” của chiếc xe mà nhiều người còn coi đó là vật thể hiện “đẳng cấp” với nhiều mẫu gương độc lạ. Nhưng nếu lắp 1 gương chiếu hậu thì có bị phạt không?

Hiện hành, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người đi xe máy không có gương chiếu hậu bên trái hoặc có nhưng không có tác dụng. (Theo điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

Như vậy, nếu xe máy chỉ lắp 1 gương mà đó là gương bên trái thì sẽ không bị phạt.

Ngược lại, nếu chỉ lắp 1 gương mà gương đó bên phải, thì sẽ bị phạt.

Lắp gương chiếu hậu sao cho không bị coi là “có như không có”?

Gương chiếu hậu lắp trên xe phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại QCVN 28:2010/BGTVT chẳng hạn như:

- Tất cả các gương phải điều chỉnh được vùng quan sát.

- Mép của bề mặt phản xạ gương phải nằm trong vỏ bảo vệ (đế gương) và mép của vỏ bảo vệ phải có bán kính cong “c” có giá trị không nhỏ hơn 2,5 mm tại mọi điểm và theo mọi hướng. Nếu bề mặt phản xạ nhô ra khỏi vỏ bảo vệ thì bán kính cong “c” của mép biên của phần nhô ra không được nhỏ hơn 2,5 mm và phải di chuyển được vào phía trong của vỏ bảo vệ khi tác dụng một lực 50 N vào điểm ngoài cùng của phần nhô ra lớn nhất so với vỏ bảo vệ theo hướng vuông góc với mặt phản xạ gương.

- Tất cả các bộ phận của gương phải có bán kính cong “c” không nhỏ hơn 2,5 mm.

Mép của các lỗ để lắp đặt hay là các chỗ lõm có chiều rộng nhỏ hơn 12 mm thì không cần phải áp dụng các yêu cầu về bán kính trên nhưng phải được làm cùn cạnh sắc.

- Các bộ phận của gương chiếu hậu được làm bằng vật liệu có độ cứng không lớn hơn 60 Shore A thì không phải áp dụng các yêu cầu nêu trong 2.1.2 và 2.1.3 theo QCVN 28:2010/BGTVT.

**Quy định về kích thước gương chiếu hậu

- Diện tích của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 69 cm2.

- Trong trường hợp gương tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94 mm và không được lớn hơn 150 mm.

- Trong trường hợp gương không tròn kích thước của bề mặt phản xạ phải đủ lớn để chứa được một hình tròn nội tiếp có đường kính 78 mm, nhưng phải nằm được trong một hình chữ nhật có kích thước 120 mm x 200 mm.

Ngoài ra, theo QCVN 14:2015/BGTVT, gương chiếu hậu cần:

- Có thể nhận rõ hình ảnh ở phía sau với khoảng cách tối thiểu 50 m về phía bên phải và bên trái.

- Trong trường hợp gương tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94 mm và không được lớn hơn 150 mm.

- Trường hợp gương không tròn kích thước của bề mặt phản xạ phải đủ lớn để chứa được một hình tròn nội tiếp có đường kính 78 mm, nhưng phải nằm được trong một hình chữ nhật có kích thước 120 mm x 200 mm… và những yêu cầu khác.

Có thể thấy, gương chiếu hậu là một bộ phận quan trọng trên xe, nó giúp chúng ta quan sát phía sau, bên trái, bên phải, đồng thời phòng tránh được những va chạm, tai nạn bất ngờ.

Chính vì vậy hãy trang bị đầy đủ gương chiếu hậu để bảo đảm an toàn khi lái xe nhé mọi người.