📞

Nắm bắt cơ hội phát triển công nghiệp VN

12:29 | 11/01/2012
Gần 30 năm Đổi mới cùng chiến lược công nghiệp hóa hiện đại hóa, Việt Nam đang chuyển mình đi lên theo sự phát triển mạnh mẽ của các nước châu Á cũng như rất nhiều nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, toàn cầu hóa đang tạo ra nhiều cơ hội phát triển cũng như nguy cơ tụt hậu hiển hiện, đòi hỏi lãnh đạo đất nước, các nhà hoạch định chính sách cũng như chuyên gia trong các lĩnh vực của nền kinh tế cần sáng suốt đưa ra những quyết sách đúng đắn để giữ vững con đường phát triển, xây dựng Việt Nam ngày càng giàu mạnh và hiện đại.
Ảnh minh hoạ

Con đường phát triển công nghiệp Việt Nam trong thập kỷ mới có lẽ nên được tiếp cận theo hướng mở. Điều này là cần thiết bởi những biến động lớn do sự tiến bộ vượt bậc của cuộc cách mạng công nghệ diễn ra trong hơn 1 thập kỷ gần đây, cùng sự tăng nhanh dân số toàn cầu và hiểm họa thiên nhiên do biển đổi khí hậu.

Việc lựa chọn mô hình phát triển công nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung nên dựa vào các thế mạnh vốn có của quốc gia, kết hợp với cải cách hệ thống và bộ máy quản lý, thay đổi trong cách tiếp cận cho phù hợp với mục tiêu phát triển nhanh nhưng xanh và bền vững. Quá trình toàn cầu hóa gia tăng mạnh mẽ những mối liên hệ qua lại trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế với xuất nhập khẩu là phương tiện mũi nhọn để làm giàu, nâng cao năng lực sản xuất cũng như chất lượng cuộc sống. Thông qua xuất khẩu các hàng hóa của Việt Nam (VN) chủ yếu là nông sản, hàng dệt may, nguyên vật liệu thô hay các sản phẩm cao cấp hơn của các công ty nước ngoài sản xuất tại VN được phân bố tới rất nhiều vùng miền trên thế giới. Đây có lẽ vẫn chính là cơ hội phát triển công nghiệp trong ít nhất là 10 đến 20 năm tới khi các ngành công nghiệp chế biến của VN còn chậm phát triển, các công nghiệp phụ trợ còn chưa có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu.

Theo thống kê thì hàng hóa VN đã có mặt trên ít nhất là 200 quốc gia và vũng lãnh thổ, đây là một thông tin rất khả quan về một thị trường quốc tế rộng lớn. Chúng ta đã có một thị trường toàn cầu, cũng như có một thị trường tiêu dùng nội địa vẫn còn trong giai đoạn bắt đầu. Nói như vậy, vì tỉ lệ sở hữu cá nhân các sản phẩm phụ thuộc thu nhập còn thấp. Tuy nhiên trong thời buổi kinh tế khủng hoảng như vài năm trở lại đây, những nguy cơ tiềm ẩn trong xuất khẩu có thể ập đến bất cứ lúc nào. Việc lựa chọn thị trường hay lựa chọn tỉ lệ phụ thuộc vào từng thị trường để bắt kịp các thay đổi của nền kinh tế thế giới sẽ quyết định thành bại.

Nói thì dễ, làm mới khó!

Nếu chỉ một câu hỏi là làm thế nào để nâng hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm VN đã là cả một vấn đề. Lấy ví dụ về việc xuất khẩu 1 tấn gạo (495 USD/tấn- giá 2011) để so sánh với việc nhập 1 chiếc điện thoại thông minh của HTC nhẹ chỉ dưới 150 gam. Giá của 2 sản phẩm trên là tương đương. Như vậy tỉ lệ chất xám trong điện thoại bằng 1 tấn/100 gam = 104 lần. So sánh khập khiễng như vậy để thấy rằng phát triển các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao có thể đem lại lợi nhuận và tỉ trọng giá/khối lượng cao hơn rất nhiều.

Ngay trong lĩnh vực nông nghiệp, gạo của VN cũng chưa phải là sản phẩm có chất lượng cao nhất. Chúng ta đứng sau Thái Lan về chất lượng và khối lượng xuất khẩu. Gạo của VN có tỉ lệ tấm cao hơn 5% và đây chính là vấn đề về công nghệ.

Nói đến công nghệ thì lại liên quan đến con người. Chúng ta đã nghe nói nhiều về phát triển nhân lực, tăng cường mối liên kết giữa nhà trường và công ty, học đi đôi với hành. Thế nhưng sợi dây liên kết giữa thực tiễn sản xuất và khoa học giáo dụccòn rất lỏng lẻo. Vấn đề có lẽ là ở chỗ, các công ty chưa chú trọng phát triển con người, chưa có định hướng phát triển sản phẩm theo kịp yêu cầu của thời đại. Các nhà trường còn thụ động trong tiếp cận với các nguồn vốn nghiên cứu từ các công ty, còn chạy theo các nghiên cứu hàn lâm…

Phát triển công nghiệp nói chung và chế biến nói riêng cần những người có thể nắm bắt các công nghệ tiên tiến để áp dụng vào quá trình sản xuất, nâng cao sản lượng, đảm bảo chất lượng, giảm lỗi cũng như cải tiến qui trình theo hướng hiện đại hóa.

Công nghiệp phụ trợ - tăng nhanh tỉ lệ nội địa hóa

Phát triển công nghiệp phụ trợ để tăng nhanh tỉ lệ nội điạ hóa trong các sản phẩm sản xuất trong nước, đặc biệt là sản phẩm của các công ty đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Áp dụng triệt để, hiệu quả lộ trình nội địa hóa trong sản phẩm của các công ty FDI. Thâm nhập ở mức cao hơn vào chuỗi cung cấp linh phụ kiện và bán thành phẩm bằng cách mua lại các nhà máy và đơn hàng của các công ty liên doanh nhỏ sản xuất linh phụ kiện tại VN.

Đối với các công ty đã có mặt trên thị trường, cần nâng cao chất lượng, khả năng đáp ứng, tối ưu hóa giá thành để đưa ra mặt hàng có tính cạnh tranh cao. Các công ty mới với các sản phẩm trong ngành công nghiệp phụ trợ, cần được khuyến khích phát triển, tạo điều kiện xây dựng nhà máy sản xuất, và được trợ giúp môi giới bán hàng.

Sản xuất hàng tiêu dùng - mở rộng thị trường

Như đã nói trên về tính bấp bênh của thị trường xuất khẩu sản phẩm, phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng dành cho nội địa cũng cần được quan tâm thích đáng. Đây là ngành công nghiệp đòi hỏi sự đầu tư cao nhất về con người cũng như công nghệ và hàm lượng trí tuệ trên từng sản phẩm. Phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cần con người có thể tạo ra các sản phẩm mới tiên phong và mang tính đột phá, tạo ra nhu cầu tiêu dùng mới. Đây cũng là ngành chịu sự cạnh tranh khốc liệt nhất từ các công ty nước ngoài tên tuổi đã tồn tại lâu năm và đã có thị phần trong tâm trí người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu giải được bài toán mẫu mã, tính năng, chất lượng và giá cả thì khẩu hiệu "người Việt dùng hàng Việt" chưa phải đã vô vọng.

Sự cạnh tranh khốc liệt về giá của các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc cũng tạo sức ép vô cùng lớn lên sự phát triển của ngành công nghiệp này. Do đó các doanh nghiệp nhà nước có lẽ sẽ có lợi thế nhất định dựa trên qui mô, kênh phân phối và thương hiệu sẵn có. Nhưng nhược điểm của họ lại nằm ở mô hình quản lý và tốc độ đáp ứng trước những thay đổi nhanh của thị hiếu tiêu dùng. Phần lớn lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước là hoặc có cổ phần nhà nước có thể không phải là những nhà marketing hay phát triển sản phẩm tốt nhất.

Để cạnh tranh phát triển trong lĩnh vực này, ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp thì các sự đóng góp của các ngành liên quan đến nhập khẩu qua biên giới quyết định sự sống còn của nền công nghiệp sản xuất hàng hóa tiêu dùng trong nước.

TS. Lê Minh Phương

Project Manager, Công ty Vestergaard Frandsen Vietnam (Đan Mạch)