Huyện đảo Cô Tô. (Ảnh: Hải Vũ) |
Quảng Ninh với vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, đảo. Tỉnh có 10/14 huyện, thị xã, thành phố tiếp giáp với biển, trong đó có 2 huyện đảo là Vân Đồn và Cô Tô. Trong tỉnh, diện tích các địa phương ven biển và vùng biển, đảo chiếm tới 72%. Trên 72% dân số của tỉnh sống trong khu vực này, đóng góp hơn 75% GDP của tỉnh.
Biến khó thành thuận lợi
Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế biển của tỉnh cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Đó là vùng biển của tỉnh rộng lớn với nhiều đảo cách xa đất liền, gây trở ngại không nhỏ cho các hoạt động KT-XH, thu hút đầu tư và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa đất liền với các đảo; nguồn tài nguyên nước ngầm hạn chế cả về trữ lượng và chất lượng. Vùng biển đảo của tỉnh chịu tác động nhiều của thiên tai, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất và đời sống của dân cư; các hoạt động khai thác khoáng sản, công nghiệp rất dễ gây ô nhiễm môi trường, nhất là vùng Vịnh Hạ Long, các hoạt động buôn lậu thường xuyên xảy ra...
Với nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của kinh tế biển, triển khai Nghị quyết T.Ư 4 (khoá X), Tỉnh uỷ đã nghiêm túc xây dựng Chương trình hành động thực hiện. Trong đó, trọng tâm là chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh của biển, ven biển, vùng biển đảo để phát triển mạnh các ngành hàng hải, cảng biển và dịch vụ khai thác cảng biển, vận tải biển, đóng và sửa chữa tàu thuyền, phát triển nhanh và đa dạng các loại hình du lịch biển, ven biển, du lịch trên đảo; khai thác, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản; hình thành các trung tâm kinh tế phát triển hướng ra biển như Vân Đồn, Hải Hà, làm động lực phát triển vùng và toàn tỉnh. Tỉnh đặt mục tiêu xây dựng huyện đảo Cô Tô thành trung tâm dịch vụ hậu cần đánh bắt hải sản xa bờ. Đồng thời, tiến hành thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản ở biển, kết hợp với bảo vệ tài nguyên biển, môi trường sinh thái biển, ven biển; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với giữ vững QP-AN và bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên vùng biển, mở rộng quan hệ hợp tác cùng phát triển với các tỉnh lân cận; chủ động hội nhập, quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước trong khu vực...
Hiện thực hóa mục tiêu
Để đưa những mục tiêu trên thành hiện thực, những năm qua, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng nhiều dự án, công trình mang tính chiến lược nhằm khai thác các tiềm năng của biển đảo, tạo ra những bước tiến mới trong đời sống nhân dân trên tuyến biển, đảo. Cụ thể, thực hiện Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 18/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã tổ chức triển khai hỗ trợ ngư dân mua sắm, nâng cấp phương tiện đánh bắt hải sản. Tỉnh đã triển khai hỗ trợ ngân sách đầu tư xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thuỷ sản ở các xã nghèo, xã ven biển và xã đảo, tạo ra tiền đề vững chắc để phát triển lĩnh vực này.
Để phát triển nghề đánh bắt xa bờ, cần phải xây dựng hệ thống cảng cá, các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, các khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền cho ngư dân tại các huyện, thị ven biển. Tỉnh chỉ đạo nghiên cứu và trình trung ương phê duyệt xây dựng các dự án này tại các huyện, thị ven biển gồm Móng Cái, Yên Hưng, Tiên Yên, Hải Hà và huyện đảo Cô Tô... Thông qua nguồn vốn từ một số chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình Biển Đông - Hải đảo, kết hợp với huy động vốn của địa phương, tỉnh đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên các huyện đảo, xã đảo với tổng kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Điển hình là các công trình hồ chứa nước trên đảo, Trung tâm Dịch vụ bắc vịnh Bắc Bộ, dự án đưa lưới điện ra đảo Cô Tô; các công trình phục vụ phát triển KT-XH gắn với đảm bảo QP-AN trên các xã đảo thuộc TP. Móng Cái, TP. Hạ Long, huyện Hải Hà, huyện Vân Đồn... Các công trình được đầu tư đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu dân sinh, nâng cao dân trí, bảo đảm gắn kết chặt chẽ chiến lược phát triển kinh tế với QP-AN trong tình hình mới.
Trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển, với vai trò là lực lượng nòng cốt, hàng năm, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã có các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch thực hiện nhằm phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, địa phương có biển, đảo để thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát vùng biển nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm chủ quyền, cũng như các hoạt động tội phạm như buôn lậu, đánh bắt thuỷ sản có tính tận diệt trên vùng biển được phân công phụ trách.
Lê Hải