Lễ Tổng duyệt của đoàn Việt Nam tham dự FTX-2016. (Ảnh: MT/TGVN) |
Ngày 25/2, đoàn Việt Nam tham dự diễn tập Hành động bom mìn nhân đạo và Gìn giữ hòa bình (FTX 2016) sắp tới tại Ấn Độ đã có buổi tổng duyệt tại Lữ đoàn Công binh 229.
Cuộc diễn tập kéo dài từ 2-8/3 tại thành phố Pune, Ấn Độ. Đoàn Việt Nam lần này gồm 27 cán bộ thuộc Bộ Tư lệnh Công Binh, Quân y, Trung tâm Gìn giữ hòa binh Việt Nam và một số đơn vị liên quan khác, do Phó Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế về Quốc phòng, đồng chủ trì Nhóm Chuyên gia về Hành động mìn nhân đạo, làm trưởng đoàn.
Sẵn sàng cho lần thứ 2
Đây sẽ là lần thứ 2 Việt Nam cử lực lượng quân đội ra nước ngoài tham gia các hoạt động đa phương trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+). Lần đầu tiên là tháng 6/2013, với tư cách là đồng chủ trì nhóm Công tác chuyên gia của ADMM+ về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa với Trung Quốc, Việt Nam đã cử lực lượng quân đội tham gia diễn tập trên thực địa về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và quân y tại Brunei. Đó cũng là lần đầu tiên các nước ADMM+ phối hợp hành động trên thực địa.
Các lãnh đạo thuộc Bộ Tư lệnh Công Binh và Viện Quan hệ Quốc tế về Quốc phòng tại buổi tổng duyệt. (Ảnh: MT/TGVN) |
Tư lệnh Binh chủng Công binh, Thiếu tướng Trần Hồng Minh đánh giá: Để có buổi diễn tập hôm nay, các lực lượng tham gia đã tiến hành công tác chuẩn bị kỹ lưỡng các bước xây dựng kế hoạch, tổ chức luyện tập, giả định tình huống sát thực tế. Các giả định và tình huống diễn ra rất hợp lý và chính xác. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa lực lượng Công binh và Quân y khi có tình huống thương vong xảy ra trong hoạt động gìn giữ hòa bình và rà phá bom mình cũng rất thành công.
Quân y thực hiện diễn tập sơ cứu. (Ảnh: MT/TGVN) |
Trung Úy Lê Vinh Hoàng thuộc Lữ đoàn 229 của Bộ Tư lệnh Công Binh chia sẻ: “Bản thân là người sẽ tham gia lực lượng diễn tập tại Ấn Độ, tôi rất tự hào và vinh dự khi được thể hiện những điều đã được học, được làm và chia sẻ các kinh nghiệm công tác với bạn bè quốc tế. Tất cả các thành viên trong đoàn Việt Nam đã được chuẩn bị tốt về tư tưởng, chuyên môn, nghiệp vụ. Chắc chắn, chúng tôi sẽ thể hiện đúng những điều đã được huấn luyện, chuẩn bị và tiến hành trên thực địa”.
Công binh diễn tập rà phá bom mìn với sự trợ giúp của máy dò. (Nguồn: MT/TGVN) |
Sự dẫn dắt có hiệu quả
Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế về Quốc phòng – Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng, nhận định: Việt Nam hiện đang có vai trò hợp tác và dẫn dắt có hiệu quả các hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo và gìn giữ hòa bình trong nhóm các quốc gia ADMM+. Mặc dù không có nhiều thách thức về bom mình như Việt Nam, nhưng Ấn Độ sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong hoạt động này. Điều này cho thấy tất cả các quốc gia đều muốn hướng đến mục tiêu vì an sinh xã hội, tương lai cộng đồng. Chúng ta sẽ cùng chung tay giải quyết bom mìn chiến tranh do các cuộc xung đột khu vực. Sự kiện diễn tập như FTX 2016 mang tính hợp tác nhân đạo sâu sắc, là nền tảng cho sự hợp tác quốc phòng sau này cùng phát triển.
Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế về Quốc phòng – Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng. (Ảnh: MT/TGVN) |
Nhóm Chuyên gia về Hành động mìn nhân đạo và Nhóm Chuyên gia về Gìn giữ hòa bình được thành lập trong khuôn khổ ADMM+ gồm 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Tham gia đồng chủ trì mỗi nhóm chuyên gia này là một nước ASEAN và một nước đối tác đối thoại: Hiện Việt Nam và Ấn Độ là đồng chủ trì Nhóm Chuyên gia ADMM+ về Hành động mìn nhân đạo; Campuchia và Hàn Quốc là đồng chủ trì Nhóm Chuyên gia ADMM+ về Gìn giữ hòa bình.
Nhóm Chuyên gia ADMM+ về Hành động mìn nhân đạo là sáng kiến của Việt Nam đã được Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN thông qua tại Hội nghị ADMM lần thứ VII (tháng 5/2013) và Hội nghị ADMM+ lần thứ 2 (tháng 8/2013) tại Brunei, trong đó Việt Nam và Ấn Độ đã được các nước nhất trí là đồng chủ trì đầu tiên của Nhóm chuyên gia giai đoạn 2014-2017. Nhóm chuyên gia sẽ thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên trong khắc phục hậu quả bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau các cuộc chiến tranh và xung đột.
Về hoạt động gìn giữ hòa bình, hiện Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cán bộ có đủ phẩm chất chính trị, chuyên môn quân sự, ngoại ngữ đáp ứng theo chuẩn của Liên hợp quốc để thay thế các vị trí Phái bộ Trung Phi vào tháng 4/2016 và Phái bộ Nam Sudan trong tháng 7/2016.