Ông Trần Phước Anh, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh. |
Thưa ông, Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 98 về một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP. Hồ Chí Minh. Nghị quyết này có ý nghĩa như thế nào đến hoạt động đối ngoại của thành phố thời gian tới?
Nghị quyết 98 với nhiều cơ chế, chính sách mới đang được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để thành phố phát huy tiềm năng và huy động được nguồn lực trong và nước ngoài phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.
Nghị quyết này sẽ có tác động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong lĩnh vực đối ngoại, tôi cho rằng Nghị quyết sẽ có tác động to lớn, giúp tháo gỡ những khó khăn và hạn chế về mặt tài chính cho các hoạt động đối ngoại, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của thành phố, từ đó nâng tầm và nâng vị thế quốc tế của TP. Hồ Chí Minh.
Nghị quyết 98 cũng phù hợp với một đô thị lớn hơn 10 triệu dân như TP. Hồ Chí Minh. Kể từ khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát đến nay và dự báo trong những năm tiếp theo, các hoạt động đối ngoại của thành phố sẽ tiếp tục diễn ra sôi động và dồn dập trên nhiều khía cạnh khác nhau, từ các đoàn nước ngoài vào thành phố, ở mọi cấp, từ cấp Chính phủ, trung ương đến địa phương rồi đến những tập đoàn, doanh nghiệp cho đến các đoàn của lãnh đạo thành phố đi nước ngoài, rồi các sự kiện mang tầm vóc quốc tế được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh và được thành phố đứng ra chủ trì đăng cai tổ chức cũng sẽ giúp cho những hoạt động này ngày càng trở nên sôi nổi.
Chúng tôi xác định ba trọng tâm chính sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Thứ nhất, tăng cường công tác quảng bá về những cơ hội đầu tư kinh doanh mới tại TP. Hồ Chí Minh đến tất cả các địa phương nước ngoài, đặc biệt là 54 địa phương có quan hệ hợp tác hữu nghị với thành phố. Thành phố cũng đã xác định 12 địa phương trọng điểm như Busan (Hàn Quốc), Osaka (Nhật Bản) và Thượng Hải (Trung Quốc)...
Thứ hai, đẩy mạnh phối hợp trong thực hiện công tác ngoại giao kinh tế giữa các cơ quan hữu quan của TP. Hồ Chí Minh với các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, giúp thành phố thu hút và tiếp cận được nguồn lực quốc tế nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển của thành phố trên nhiều lĩnh vực như năng lượng, công nghệ sinh học, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, định hướng giao thông công cộng.
Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực cho các cán bộ, công chức của thành phố. Những lĩnh vực đào tạo này sẽ bao gồm phát triển kinh tế, quản trị công, quy hoạch đô thị, chuyển đổi số và phát triển hạ tầng…
Và với sự ủng hộ của lãnh đạo thành phố và sự hỗ trợ từ Trung ương, tôi tin rằng công tác đối ngoại của thành phố sau khi có Nghị quyết 98 sẽ có tác động lớn, đẩy mạnh tạo sự lan tỏa cũng như nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại của thành phố.
Thưa ông, vừa qua, Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao đã ký quy chế phối hợp với Ban Thường vụ Thành ủy. Quy chế này sẽ tạo ra bước ngoặt như thế nào đối với công tác đối ngoại của TP Hồ Chí Minh thời gian tới?
Quy chế này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác phối hợp giữa thành phố với Bộ Ngoại giao.
Thứ nhất, quy chế sẽ tạo thuận lợi trong việc chia sẻ và huy động nguồn lực giữa Bộ Ngoại giao và TP. Hồ Chí Minh, qua đó góp phần triển khai hiệu quả công tác đối ngoại của cả nước nói chung và của TP. Hồ Chí Minh nói riêng.
Quy chế đề ra 3 công tác quan trọng giữa Bộ Ngoại giao và thành phố. Đó là tăng cường công tác tư vấn và tham vấn về tình hình khu vực, thế giới và chủ trương, chính sách của quốc gia để thành phố nhanh chóng có những chính sách phù hợp trong công tác xây dựng chính sách về kinh tế xã hội, nhất là trong công tác thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Đồng thời quy chế cũng giúp tư vấn cho TP. Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng những chiến lược, kế hoạch đối ngoại phù hợp với điều kiện đặc thù của thành phố.
Thứ hai, quy chế sẽ thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trên địa bàn thành phố trong công tác về quản lý hoạt động của các cơ quan đại diện nước ngoài, các tổ chức quốc tế và công tác lãnh sự tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam trong phạm vi thẩm quyền của thành phố.
Thứ ba, quy chế sẽ giúp tăng cường chia sẻ về nguồn lực trong quá trình thực hiện công tác ngoại giao, kinh tế, ngoại giao, văn hóa và thông tin đối ngoại.
Các đơn vị của Bộ, nhất là các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài sẽ kết nối chặt chẽ hơn với TP. Hồ Chí Minh, với chính quyền địa phương của các nước sở tại, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia để thông tin đến thành phố, về các thị trường, các lĩnh vực mà thành phố có tiềm năng, các dự án mà thành phố đang kêu gọi và thu hút đầu tư.
Tôi tin rằng hiệu quả trong công tác đối ngoại của thành phố sắp tới sẽ phát huy mạnh mẽ và sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao cũng sẽ giúp cho công tác đối ngoại của thành phố trở nên chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn, thực chất hơn và giúp cho Thành phố có thể vươn tầm quốc tế.
Xin cảm ơn ông!