Nhỏ Bình thường Lớn

Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại

Chiều 2/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo công bố Nghị định 72/2015/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 7/9/2015 về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại. Đây là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao nhất trong lĩnh vực thông tin đối ngoại.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu tại cuộc họp báo. (Nguồn: MIC)

Đây cũng là văn bản nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, trực tiếp là Kết luận 16-KL/TW ngày 14/02/2012 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển Thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết: Sau 5 năm thực hiện Quy chế quản lý Nhà nước về thông tin đối ngoại, công tác này đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, giúp cộng đồng quốc tế hiểu đúng về Việt Nam, góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời, thúc đẩy quá trình hội nhập của đất nước.

Tuy nhiên, cũng theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, qua đánh giá, công tác thông tin đối ngoại vẫn còn một số hạn chế như hiệu lực quản lý Nhà nước chưa cao; sự phối hợp, gắn kết giữa các Bộ, ngành, địa phương với lực lượng làm thông tin đối ngoại còn hạn chế; kinh phí thiếu và phân tán, không tập trung được nguồn lực; nội dung thông tin chưa phong phú; chất lượng hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới…

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, Nghị định 72, một khi đi vào hoạt động, sẽ giúp khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên và nâng cao hiệu quả quản lý đối với các hoạt động thông tin đối ngoại, bảo đảm sự quản lý thống nhất trong lĩnh vực này. Nghị định phân công trách nhiệm rõ ràng cho các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố và báo chí trong hoạt động thông tin đối ngoại.

Nghị định gồm 4 Chương, 26 Điều, quy định chi tiết về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc hoạt động và quản lý Nhà nước về thông tin đối ngoại, nội dung thông tin đối ngoại, cung cấp thông tin đối ngoại, một số kênh cung cấp thông tin đối ngọa trọng tâm; cơ sở dữ liệu, hoạt động hỗ trợ hay phương thức hợp tác với các cơ quan thông tấn báo chí, phóng viên nước ngoài; một số thiết chế thực hiện công tác thông tin đối ngoại ở địa bàn ngoài nước, kinh phí cho hoạt động thông tin đối ngoại và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại.

Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Nghị định 72 có một số điểm mới so với các văn bản trước đây như: Là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất về lĩnh vực này; Quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chủ lực triển khai hoạt động Thông tin đối ngoại (Chương III); Quy định đầy đủ những nguyên tắc hoạt động Thông tin đối ngoại, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia trong thời gian gần đây (Điều 3); Đảm bảo kinh phí cho hoạt động thông tin đối ngoại từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính hợp pháp khác (Điều 5); Quy định các hoạt động thông tin đối ngoại cơ bản để các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng thông tin đối ngoại cần tập trung thực hiện trong giai đoạn hiện nay (Chương II); Tăng cường cung cấp thông tin giải thích, làm rõ (Điều 10). Coi đây là trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong việc bảo vệ và nâng cao uy tín, hình ảnh của Việt Nam….

Ông Tuấn cũng bày tỏ mong muốn của Bộ Thông tin và Truyền thông là để triển khai Nghị định 72, các cơ quan báo chí và phóng viên không chỉ nắm vững và tuyên truyền các nội dung Nghị định mà còn tích cực, chủ động triển khai hoạt động thông tin đối ngoại theo phương châm “chính xác, kịp thời, sinh động, phù hợp với từng đối tượng”. Các cơ quan báo chí nên mở các chuyên trang, chuyên mục với nội dung quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam bằng nhiều thứ tiếng nhằm giúp thế giới cũng như người nước ngoài ở Việt Nam và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài hiểu thêm về Việt Nam cũng như các chủ trương, đường lối và chính sách của Việt Nam.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/10/2015.

N.K