Nông sản Việt cần được nâng cao chất lượng để đáp ứng đa dạng hơn các thị trường. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Tại Diễn đàn “Ổn định chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn nông sản của các hợp tác xã nông nghiệp” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với các đơn vị khác tổ chức chiều 22/11, các chuyên gia khẳng định việc củng cố, thay đổi sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng chính là cơ sở, nền tảng để mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản Việt Nam.
Theo TS. Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, hiện Trung Quốc có nhiều thay đổi trong quy định an toàn thực phẩm (ATTP). Hiện thị trường tỷ dân này mới tập trung truy xuất nguồn gốc, chưa thực hiện nhiều quy định kiểm tra, giám sát mức dư lượng. Song đã có các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam nhận cảnh báo từ phía Trung Quốc về lượng thuốc trừ sâu, ô nhiễm vi sinh vật.
EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng là những thị trường khó tính, có quy định cụ thể về dư lượng, các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và yêu cầu tính minh bạch, trung thực của doanh nghiệp.
Là một trong số các doanh nghiệp đầu tiên thành công trong việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, bà Hồ Đức Minh, Tổng giám đốc Công ty Vạn Xuân Phát cho biết, đối tác phía Trung Quốc khi nhập khẩu sầu riêng rất thẳng thắn, nếu sầu riêng không đáp ứng được các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, mã số vùng trồng, họ sẽ từ chối mua và không bao giờ quay trở lại.
Theo bà Minh, nông dân khi đã phun thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép, doanh nghiệp khi tiếp nhận không có cách nào rửa trôi đi được và lô nông sản đó sẽ bị quay đầu, không thể xuất khẩu.
“Tiêu chuẩn đặt ra không phải để làm khó nông dân”, bà Minh nhấn mạnh. Việc các tiêu chuẩn, hàng rào về kỹ thuật ngày một nhiều lên vừa để bảo vệ người tiêu dùng, vừa để thúc đẩy chất lượng nông sản ngày càng hoàn thiện hơn.
Trước thực trạng này, đại diện Văn phòng SPS Việt Nam kiến nghị doanh nghiệp cần nâng cao năng lực, nhận thức trong việc nắm bắt các qui định về kỹ thuật và yêu cầu về SPS của thị trường, chuyển đổi tư duy từ số lượng sang chất lượng; thiết lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng toàn bộ chuỗi cung ứng; đầu tư thiết bị và nghiên cứu sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu; đào tạo cán bộ kỹ thuật có kỹ năng quản lý và giám sát về ATTP cho quá trình sản xuất và chế biến.