📞

Nâng cao tính chuyên nghiệp của công tác bảo hộ công dân

14:54 | 04/04/2012
Bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của Nhà nước được quy định trong các văn bản pháp luật của Việt Nam từ ngày lập nước đến nay và hoàn toàn phù hợp với pháp luật cũng như tập quán quốc tế. Trên thực tế, chúng ta cũng đã làm nhiều việc để bảo vệ quyền lợi của công dân mình ở nước ngoài.
Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Cấp các giấy tờ cần thiết (như hộ chiếu, giấy tờ hộ tịch...) để công dân Việt Nam (VN) ổn định cư trú ở nước ngoài là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Một trong những điều kiện quan trọng để nước ngoài cho cư trú là phải có hộ chiếu quốc gia hợp lệ. Tuy nhiên, trên thực tế, do nhiều lý do khác nhau, cả chủ quan lẫn khách quan, nhiều người không có hộ chiếu hay giấy tờ tùy thân hợp lệ (xuất cảnh trái phép, ở lại nước ngoài trái mục đích ban đầu, mất hay thất lạc giấy tờ...). Để giải quyết vấn đề này trên cơ sở pháp luật VN và được nước cư trú chấp nhận, VN đã chủ trương cấp lại, cấp mới giấy tờ cho những người này để họ có điều kiện cư trú hợp lệ và ổn định cuộc sống ở nước ngoài. Chủ trương này đã góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân ta ở nước ngoài.

Vấn đề người VN bị buộc phải về nước từng là trở ngại lớn trong phát triển quan hệ giữa VN với các nước hữu quan. Nhận trở lại công dân vừa là nghĩa vụ pháp lý quốc tế của Nhà nước, nhưng cũng thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, dù có thể họ là người ra đi bất hợp pháp. Việc hợp tác với các tổ chức quốc tế (TCQT) như IOM, UNHCR để nhận lại những người ra đi bằng thuyền cuối thập kỷ 1970 hay đàm phán với các nước hữu quan về nhận lại công dân VN không được cư trú ở Đức và một số nước khác không chỉ tháo gỡ trở ngại trên con đường hội nhập của VN, mà còn tạo tiền đề cho các quan hệ song phương đi vào chiều sâu. Nhìn từ góc độ bảo hộ công dân (BHCD), VN đã vận dụng linh hoạt các nguyên tắc hồi hương tự nguyện, trong trật tự, an toàn, tôn trọng nhân phẩm người trở về và tài trợ ban đầu để họ có điều kiện tái định cư ở VN.

Năm 1991, chiến tranh Vùng Vịnh nổ ra, hàng chục nghìn lao động VN rơi vào tình thế nguy hiểm. Việc sơ tán an toàn 17.000 lao động VN từ Iraq trở về trong bối cảnh đất nước chưa hết khó khăn do bao vây, cấm vận và khủng hoảng kinh tế-xã hội sau chiến tranh, được coi là chiến dịch lớn đầu tiên mà VN tiến hành nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của công dân VN ở nước ngoài. Từ bài học thành công này, năm 2010 VN cũng đã tiến hành thành công chiến dịch sơ tán hơn 10.500 lao động từ Lebanon về nước an toàn. Điểm nổi bật là trong chiến dịch khẩn trương này có sự “hợp đồng tác chiến“ nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, địa phương trong nước với Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao (CQĐDNG) của VN ở nước ngoài. Cũng khác năm 1991, lần này Chính phủ đã chủ động điều máy bay của Vietnam Airlines sang đón lao động về nước, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Thời gian qua vấn đề ngư dân VN bị nước ngoài bắt giữ đang trở thành vấn đề nóng, lại diễn ra hầu như hàng ngày, đòi hỏi phải có các biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả. Trong những trường hợp như vậy, Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự) đã phải phối hợp với các cơ quan chức năng để kịp thời xác minh và có biện pháp cần thiết đưa bà con về nước. Cục Lãnh sự và các CQĐDNG của VN đã giao thiệp với phía nước ngoài để can thiệp, trong nhiều trường hợp cũng phải can thiệp ở cấp cao để yêu cầu thả ngư dân VN. Các CQĐDNG của VN phối hợp với Quỹ bảo hộ công dân (Cục Lãnh sự) để thu xếp mua vé máy bay cho bà con về nước. Trong dịp Tết Nhâm Thìn, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng chỉ đạo các CQĐDNG tìm mọi cách đưa bà con về trước Tết xum họp cùng gia đình; đối với những người còn bị tạm giữ ở nước ngoài thì các CQĐDNG đến thăm, chúc Tết và động viên. Điều này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với bà con đang gặp khó khăn ở nước ngoài. Bà con rất xúc động khi nhận được sự quan tâm đó.

Công tác BHCD hiện nay có một số đặc điểm sau:

Thứ nhất, nó diễn ra dồn dập, khẩn trương, đòi hỏi phải xử lý kịp thời và hiệu quả. Tình hình ở Tunisia, Ai Cập và nhất là ở Lebanon cho thấy sự tùy thuộc lẫn nhau trong thế giới ngày nay. Người lao động VN có mặt ở hầu hết các nước, các khu vực và nhiều khi những diễn biến chính trị ở đó tác động trực tiếp đến VN. Ngay cả ở những khu vực tưởng như không có người VN nhưng cũng xảy ra tình huống BHCD như vụ thủy thủ ta bị nạn ở Nam Cực khi làm việc trên tàu nước ngoài. Động đất, sóng thần và tai nạn hạt nhân ở Nhật Bản khiến hàng trăm người Việt cũng rơi vào tình cảnh cần được giúp đỡ của Đại sứ quán VN tại đó. Những tưởng không có người VN nào bị nạn khi tàu du lịch Costa Concordia (Italy) chìm ở Địa Trung hải, nhưng rồi cũng có 3 lao động VN trên tàu đó. Đó là chưa kể những vụ cô dâu VN ở nước ngoài bị ngược đãi, du học sinh VN bị hãm hại, người VN phạm tội đưa người bất hợp pháp, trồng cần sa... mà các CQĐDNG, lãnh sự của VN ở nước ngoài phải giải quyết.

Thứ hai, ngày càng xuất hiện những yếu tố an ninh phi truyền thống, tác động trực tiếp đến hoạt động BHCD. Gần đây xuất hiện tình trạng tàu chở hàng và thủy thủ VN bị hải tặc Somalia bắt và đòi tiền chuộc lên đến hàng triệu đôla. Đây là những lĩnh vực VN chưa có kinh nghiệm do chưa có tiền lệ. Bên cạnh đó, VN cũng phải xử lý nhiều vụ việc liên quan đến các hoạt động di cư bất hợp pháp, buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em có liên quan đến nạn nhân là người Việt.

Thứ ba, đồng thời với việc tăng cường quan hệ kinh tế quốc tế, tham gia nhiều hơn vào các thương vụ làm ăn ở bên ngoài, các doanh nghiệp VN cũng phải đối đầu với thực trạng gia tăng các vụ kiện tụng, tranh chấp pháp lý ở tòa án nước ngoài. Thông thường, với các vụ kiện này, không chỉ doanh nghiệp mà nhiều khi các cơ quan chức năng hay văn phòng luật sư của VN cũng thiếu kinh nghiệm và lúng túng trong xử lý.

Thứ tư, truyền thông, nhất là báo điện tử và mạng xã hội đã tận dụng những lợi thế to lớn để kịp thời cung cấp thông tin về tình hình công dân VN ở nước ngoài cũng như về những biện pháp hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những thông tin chưa qua kiểm chứng, chủ quan, thiên lệch của báo chí nước ngoài, gây khó khăn cho công tác BHCD và hoang mang trong dư luận.

Từ những kinh nghiệm và bài học rút ra từ công tác BHCD thời gian qua, yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới là nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp nhằm đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới. Tính chuyên nghiệp phải thể hiện trên các mặt sau:

Một là, cần xác định công tác BHCD VN ở nước ngoài là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các CQĐDNG, lãnh sự VN ở nước ngoài. Với tư cách là cơ quan trực tiếp triển khai, chỉ đạo công tác này, Cục Lãnh sự coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài để từ đó đầu tư thỏa đáng các nguồn lực cho công tác này, trong đó có nguồn lực con người. Những cán bộ có kinh nghiệm, có khả năng ứng phó với các tình huống BHCD sẽ được bố trí làm công việc phù hợp.

Hai là, cần có một tổ chức và cơ chế thích hợp làm công tác BHCD. Hầu hết các nước đều có một tổ chức chuyên trách hay một trung tâm xử lý khủng hoảng hoặc ad-hoc tại Bộ Ngoại giao để xử lý các tình huống bảo vệ khẩn cấp công dân ở nước ngoài. Trong chiến dịch sơ tán hơn 10.000 lao động từ Lebanon về nước, VN cũng có một tổ chức tương tự nhằm điều phối các hoạt động ở trong nước và tại “tiền phương”. Mặc dù không phải lúc nào cũng có chiến dịch lớn hay khẩn cấp, song đối với công tác này, chỉ một con tàu, một thủy thủ VN bị hải tặc bắt giữ, một công dân VN bị hãm hại ở nước ngoài cũng phải huy động cả bộ máy từ trong nước đến các CQĐDVN ở những nước liên quan, cá biệt cả với các TCQT. Chính vì thế, Cục Lãnh sự đã có Nhóm công tác chuyên về BHCD, làm tiền đề thành lập Phòng Bảo hộ công dân và pháp nhân VN ở nước ngoài thời gian tới. Đây cũng chính là nhằm thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Phạm Bình Minh là “xây dựng cơ chế thường trực, phản ứng nhanh, kịp thời ứng phó với các tình huống khẩn cấp về BHCD”.

Ba là, khai thác triệt để các cơ chế, chính sách, các mối quan hệ nhằm phục vụ hiệu quả BHCD ở nước ngoài. Chẳng hạn thông qua mối quan hệ hợp tác giữa VN với các nước hữu quan, các TCQT để nhờ tìm hiểu thông tin hay trợ giúp. Cụ thể, trước diễn biến vừa qua ở Mali, Cục Lãnh sự đã khuyến cáo trên Cổng thông tin điện tử lanhsuvietnam.gov.vn để công dân VN ở Mali nếu cần sự giúp đỡ có thể liên hệ với Văn phòng đại diện IOM ở đó.

Bốn là, truyền thông, nhất là Internet, đóng vai trò không thể thay thế. Bên cạnh việc tận dụng thế mạnh thông tin kịp thời của Internet, tính chuyên nghiệp còn thể hiện ở việc chủ động cung cấp thông tin, định hướng dư luận, không để những thông tin “thất thiệt” tác động tiêu cực đến xã hội và đặc biệt gây nguy hiểm cho công dân VN ở nước ngoài.

Vì vậy, nếu công dân VN ở nước ngoài cần sự giúp đỡ, thì ngay ở nước ngoài, các CQĐDNG, lãnh sự của Việt Nam luôn sẵn sàng dành sự trợ giúp cho họ.

Nguyễn Hữu TrángCục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao