Các đại biểu tham dự đối thoại "Nâng cao vai trò của phụ nữ trong chính sách đối ngoại". (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Ngày 7/10, tại Học viện Ngoại giao đã diễn ra đối thoại “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong chính sách đối ngoại” theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Đối thoại do Học viện Ngoại giao phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Đại sứ quán các nước Pháp, Mexico, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Canada tại Việt Nam tổ chức. Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu dự và phát biểu khai mạc. Tham dự còn có Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga.
Đã có 7 quốc gia trên toàn thế giới áp dụng chính sách đối ngoại nữ quyền gồm Thụy Điển, Canada, Pháp, Luxembourg, Mexico, Tây Ban Nha và Lybia. |
Theo Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Phạm Lan Dung, việc công nhận tầm quan trọng của bình đẳng giới ngày càng phổ biến trong hoạt động của các tổ chức trong nước, quốc tế.
Trong hơn một thập niên qua, các quốc gia đã thu hút nhiều phụ nữ hơn vào quá trình hoạch định chính sách đối ngoại, chú trọng đến bình đẳng giới và vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong các hoạt động đối ngoại.
Và ở Việt Nam cũng vậy, phụ nữ đóng một vai trò thiết yếu trong sự hình thành và phát triển của đất nước.
Ngày nay, phụ nữ Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng hòa bình và phát triển của đất nước. Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong công tác bình đẳng giới, nâng cao vị thế cho phụ nữ, đồng thời, thể hiện những cam kết mạnh mẽ giúp nâng cao vai trò của phụ nữ Việt Nam trong mọi lĩnh vực.
Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Phạm Lan Dung phát biểu tại đối thoại. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Minh chứng mới nhất là việc thông qua Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 và thành tích bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, khi mà tỷ lệ đại biểu nữ đạt trên 30% (một trong những mức cao nhất ở trong lịch sử).
Một minh chứng sống động khác là theo báo cáo của Grant Thornton International, Việt Nam đứng thứ hai về số lượng phụ nữ giữ các vị trí quản lý cấp cao nhất trong số các quốc gia châu Á.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Lan Dung, tại Việt Nam, vẫn còn nhiều người cho rằng, sự nghiệp của phụ nữ sẽ không được ghi nhận nếu họ không làm tròn thiên chức của một người vợ, một người mẹ. Chính vì vậy, việc nâng cao quyền năng cho phụ nữ sẽ giúp họ có điều kiện tiếp cận việc làm, giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao… bình đẳng như nam giới.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu tại đối thoại. (Ảnh: Nguyễn Hồng |
Phát biểu khai mạc đối thoại, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu chia sẻ, với tư cách là Trưởng ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng kêu gọi mọi người cùng nỗ lực, chung tay để trao thêm quyền năng, giúp nâng cao vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực đối ngoại.
Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đã và đang đóng vai trò tích cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bình đẳng giới như Công ước xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.
UN Women: Chính sách đối ngoại nữ quyền làm cho bình đẳng giới trở thành yếu tố xuyên suốt của bất kỳ phân tích và hành động nào liên quan đến chính sách đối ngoại của một quốc gia. Ngoài ra, chính sách này còn tập trung vào các vấn đề cụ thể được nhấn mạnh như thúc đẩy quyền của phụ nữ, thường xuyên xem xét cách thức các lựa chọn địa chính trị của mỗi quốc gia tác động lên phụ nữ và trẻ em gái như thế nào, tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận các vị trí có trách nhiệm và nếu có thể là các vị trí đưa ra quyết định. |
Minh chứng sống động cho những điều trên là trong thời gian quan, Việt Nam đã tham gia chủ động và tích cực vào các hoạt động hợp tác quốc tế về bình đẳng giới và trao quyền năng cho phụ nữ tại các Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền, Ủy ban địa vị Phụ nữ,...
Trong các bài phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao tại các diễn đàn đa phương hoặc song phương, bình đẳng giới luôn là một trong những điểm nhấn quan trọng.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể vào trong các cuộc thảo luận và chương trình nghị sự về Phụ nữ, hòa bình và an ninh tại các diễn đàn như ASEAN, APEC, ASEM...
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh, trong bối cảnh bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trở thành mối quan tâm ngày càng lớn của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, buổi đối thoại với chủ đề “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong chính sách đối ngoại” là một cơ hội để trao đổi, truyền cảm hứng cho phụ nữ và những người ủng hộ nữ quyền.
Tại đối thoại, các đại biểu đã chia sẻ những hiểu biết, ý nghĩa về chính sách đối ngoại nữ quyền; cơ sở lý luận, những thay đổi trong chính sách đối ngoại, tình hình thực tiễn và bài học kinh nghiệm tại 5 quốc gia Thụy Điển, Pháp, Mexico, Tây Ban Nha và Canada. Qua đó, thấy rõ sự khác biệt (về nguồn gốc, giai đoạn phát triển, hệ thống, văn hóa và truyền thống) và những điểm tương đồng (cam kết thực hiện cùng một ý tưởng và sáng kiến).
Không chỉ vậy, các đại biểu đã trao đổi quan điểm và phản ánh việc thực thi chính sách đối ngoại nữ quyền trong khả năng và vùng lãnh thổ của mỗi nước, từ đó mang đến cơ hội học tập có ý nghĩa cho các nhà ngoại giao tương lai của Việt Nam.
Các đại biểu nhất trí rằng, việc chia sẻ quyền lực một cách bình đẳng hơn giữa phụ nữ và nam giới là điều cần thiết.
Dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc thường xuyên lưu ý rằng, không châu lục nào có thể đạt được phát triển bền vững nếu phụ nữ vẫn bị đặt ở phía sau.
| Angela Merkel: Người phụ nữ quyền lực của thế giới Với 16 năm lãnh đạo nước Đức, Thủ tướng Angela Merkel từng là gương mặt đại diện cho châu Âu, giúp nước Đức trở thành ... |
| Người phụ nữ 'quyền lực thế giới' Hillary Clinton dạy con thế nào? TGVN. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton luôn xem nuôi dạy cô con gái Chelsea là ưu tiên hàng đầu của cuộc đời mình. Đối với ... |