Đó là nhận định của ông Sung Bae Ji, Chủ tịch Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB) tại hội thảo “Sử dụng hiệu quả Trọng tài quốc tế tại Việt Nam và Hàn Quốc trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thương mại và đầu tư”, diễn ra sáng 13/7 tại Hà Nội.
Hội thảo do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp KCAB và Trung tâm Giải quyết tranh chấp Quốc tế Seoul (SIRDC) tổ chức.
Ông Sung Bae Ji, Chủ tịch Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: DL) |
Hội thảo được chia thành 3 phần chính với các nội dung: Những thay đổi gần đây trong khung pháp lý về Trọng tài tại Việt Nam và Hàn Quốc; Các vụ việc và bài học: Tranh chấp quốc tế trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại Việt Nam và Hàn Quốc; Nhà đầu tư nước ngoài và các tranh chấp quốc tế trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng: Quá trình thành lập các khiếu kiện.
Hội thảo được tổ chức với mục đích tạo ra một cơ hội để các doanh nghiệp, các luật sư và các chuyên gia trao đổi về những vấn đề cụ thể và thực tiễn, những rủi ro và bài học kinh nghiệm trong các tranh chấp về hoạt động vực xây dựng cơ sở hạ tầng và thủ tục giải quyết các tranh chấp này bằng trọng tài, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung.
Phát biểu khai mạc, ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VIAC chia sẻ, năm 2017 đánh dấu 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Qua 25 năm, mối quan hệ giữa hai quốc gia đã đạt những kết quả ấn tượng, thể hiện ở những con số thống kê trong hợp tác kinh tế.
Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam và là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với hơn 5.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang có hoạt động đầu tư, thương mại tại Việt Nam và nhiều trong số đó là các nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng. Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Hàn Quốc và là nhà nhập khẩu đứng thứ 8 của nước này.
“Vì vậy, cần có cơ chế để giải quyết tranh chấp trong các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng vốn có tÍnh chất rất phức tạp và liên quan đến những dự án có vốn đầu tư lớn”, ông Vũ Ánh Dương nhấn mạnh.
Ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch thường trực VIAC trả lời phỏng vấn báo chí bên lề hội thảo. (Ảnh: DL) |
Trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo, ông Vũ Ánh Dương cũng nhận định: “Là một nước đang phát triển với tốc độ tăng trưởng nhanh, lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam được đánh giá sẽ có nhiều dư địa phát triển trong cả hiện tại và thời gian tới. Đi kèm với sự phát triển đó là nhu cầu cần đến các phương thức giải quyết tranh chấp nhanh gọn, hiệu quả được tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này quan tâm bởi đặc điểm đặc thù của loại tranh chấp trong hoạt động này là thường có trị giá tranh chấp rất lớn và tính chất phức tạp. Và phương thức trọng tài, một phương thức được ưa chuộng sử dụng rộng rãi trên thế giới, có lẽ cũng sẽ là lựa chọn tốt nhất cho lĩnh vực này tại Việt Nam và Hàn Quốc”.
Tại hội thảo, ông Sung Bae Ji, Chủ tịch Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc chia sẻ, từ năm 2009, Việt Nam và Hàn Quốc đã thành lập cơ chế tư pháp giữa 2 quốc gia, theo đó hai bên đã ký kết bản ghi nhớ tại Hà Nội trong lĩnh vực tư pháp.
Cũng theo ông Sung Bae Ji, trong quá trình hợp tác đầu tư không thể tránh khỏi những tranh chấp, do đó, cơ chế trọng tài đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế này. “Không chỉ ở Việt Nam mà tại các thị trường khác ở châu Á, những cơ chế giải quyết tranh chấp đã được ghi nhận”, ông Sung Bae Ji nhấn mạnh.
Đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: DL) |
Thảo luận tại Hội thảo, ông Shin Hi-Teak, Chủ tịch Trung tâm giải quyết tranh chấp quốc tế Seoul cho biết, trong những năm gần đây, hợp tác phát triển kinh tế giữa 2 nước đã tăng lên đáng kể, đặc biệt nhiều hiệp định thương mại tự do có hiệu tực từ 12/2015 cho thấy quan hệ hợp tác kinh tế tiếp tục tăng mạnh trong những năm năm tới. Hàn Quốc có nguồn vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam trong 5 năm qua. Nguồn vốn dầu tư của các công ty Hàn Quốc đạt 4.5 tỷ USD tương đương 35% tổng đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Shin Hi-Teak, trong quá trình phát triển, tranh chấp là điều không thể tránh được đặc biệt về lĩnh vực đầu tư, thương mại. Vì vậy, cần có cơ chế giải quyết hiệu quả. Hiện nhiều quốc gia châu Á đang nỗ lực xây dựng, cải thiện khung pháp lý về giải quyết tranh chấp của mình.
Tại hội thảo, các chuyên gia pháp lý với nhiều kinh nghiệm thực tiễn và những trường hợp cụ thể đã giúp người tham dự có được cái nhìn tổng thể về phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và đặc biệt là áp dụng phương thức này sao cho hiệu quả trong tranh chấp cơ sở hạ tầng, thương mại và đầu tư.