📞

Nắng nóng tiếp diễn ở Bắc Bộ, Trung Bộ trong tháng 9; những biện pháp đảm bảo sức khỏe

12:23 | 15/08/2023
Từ nay đến tháng 9, nắng nóng tiếp tục xảy ra tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ; riêng khu vực Trung Bộ nắng nóng có xu hướng giảm hơn so với thời kỳ nửa đầu tháng.
Giai đoạn này, số ngày nắng nóng ở Bắc Bộ cao hơn so với trung bình nhiều năm. (Ảnh: N. N)

Trong tháng 9, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng nhưng với cường độ giảm dần so với tháng 7 và tháng 8.

Cụ thể, từ nay đến ngày 10/9, khu vực Tây Bắc Bộ, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có nhiệt độ trung bình cao hơn từ 0,5-1 độ C; các khu vực còn lại phổ biến cao hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lưu ý: “Số ngày nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ trong giai đoạn này cao hơn so với trung bình nhiều năm”.

Theo ông, do ảnh hưởng của nắng nóng, nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên ở khu vực dân cư có nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn do nhu cầu sử dụng điện tăng cao; nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu ở nền nhiệt độ cao.

Ngoài ra, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ C, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, đối với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng, cần bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ như sáng sớm hoặc chiều muộn.

Đồng thời, hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao; nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức.

Định kỳ sau khoảng 45 phút đến một giờ làm việc, cần nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong khoảng thời gian từ 15-20 phút.

Người dân khi phải làm việc trong môi trường nắng nóng cần hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy; sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính; mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi, sử dụng thêm các loại kem chống nắng.

Khi làm việc trong môi trường nắng nóng không sử dụng các loại đồ uống có cồn; cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc, đặc biệt là các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất như Oresol.

Nên thực hiện các biện pháp làm thoáng mát nơi làm việc như sử dụng mái che, các tấm phản chiếu nhiệt, vật liệu cách nhiệt, hệ thống phun nước, phun sương, lắp đặt hệ thống điều hòa, hệ thống quạt thông gió phù hợp.

(theo TTXVN)