TIN LIÊN QUAN | |
Tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu năng động và gắn kết hơn trong thập niên thứ ba | |
Xây dựng tầm nhìn quan hệ đối tác Á - Âu toàn diện cho thế kỷ 21 |
Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của việc Việt Nam đăng cai Cuộc họp lần thứ 37 của Hội đồng các Thống đốc Quỹ Á - Âu tại Đà Nẵng?
ASEM được hình thành năm 1996 và đúng một năm sau, Quỹ Á - Âu (ASEF) được thành lập nhằm tăng cường đối thoại, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai châu lục. Vì vậy, cuộc họp Hội đồng Thống đốc lần này rất có ý nghĩa đối với nước ta, Quỹ ASEF và hợp tác ASEM.
Với Việt Nam, đây là lần thứ hai đăng cai cuộc họp Hội đồng Thống đốc ASEF, sau 13 năm kể từ khi tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 2004, là một đóng góp thiết thực nữa của ta đối với hợp tác chung và thể hiện Việt Nam luôn coi trọng ASEM, vai trò của ASEF. Diễn ra chỉ ba tuần sau thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và cũng tại thành phố Đà Nẵng - một trung tâm phát triển kinh tế năng động hàng đầu cả nước, cuộc họp là hình ảnh sinh động về chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại và sự năng động mới của đối ngoại đa phương Việt Nam. Việc các Thống đốc đại diện 53 thành viên Á - Âu lựa chọn Việt Nam là điểm gặp gỡ một lần nữa chứng tỏ sự quý mến, tin cậy của bè bạn các châu lục với nhân dân ta.
Đối với Diễn đàn ASEM, cuộc họp lần này diễn ra vào năm đầu tiên khi ASEM bước sang thập niên phát triển thứ ba và kỷ niệm 20 năm thành lập Quỹ ASEF. Tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 11 ở Mông Cổ vào tháng 7/2016, các nhà lãnh đạo ASEM đã nhất trí cùng nỗ lực làm sống động hợp tác Á - Âu trong thập niên mới. Vì vậy, các Thống đốc ASEF không chỉ thảo luận các công việc thường niên, mà lần đầu tiên đã có cuộc trao đổi sâu về việc hình thành tầm nhìn mới cho ASEM và ASEF theo sáng kiến của Việt Nam.
Có thể nói, cuộc họp Hội đồng Thống đốc lần này diễn ra vào thời điểm cục diện quốc tế cũng như ở các khu vực nói chung và hợp tác đa phương nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen chưa từng có. Những chuyển biến sâu sắc trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa sâu rộng đòi hỏi cộng đồng quốc tế, trong đó có hai châu lục Á - Âu, phải chung tay góp sức hơn nữa thì mới củng cố, duy trì đà hợp tác quốc tế, nỗ lực đa phương để ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức mới. Tại cuộc họp, các Thống đốc đã bàn nhiều về hướng nâng cao tính thiết thực của hoạt động ASEM và các dự án ASEF theo hướng tăng cường đóng góp của ASEM vào các nỗ lực đa phương.
Đại sứ vừa nói đến các thách thức, nhưng lại có cả những cơ hội chưa từng có đối với triển vọng hợp tác ASEM khi bước vào ngưỡng cửa thập niên thứ ba?
Nói đến thách thức, trong một năm qua, có thể thấy những chuyển biến trên thế giới rất khó lường và nhanh hơn dự báo, thậm chí có một số thay đổi mang tính bước ngoặt trong tương quan lực lượng. Bên cạnh những vấn đề an ninh và phát triển, xu hướng dân tộc chủ nghĩa, dân túy, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trong khi liên kết kinh tế ở nhiều khu vực bị chậm lại. Các nước, nhất là các nước lớn, đều đang tiếp tục có những điều chỉnh đáng kể trong chính sách đối nội và cả đối ngoại.
Mặt khác, chính những thách thức và những chuyển biến trên đang thúc đẩy nhu cầu gia tăng hợp tác quốc tế. Hơn bao giờ hết, hợp tác đa phương đang đứng trước những thời cơ mới chưa từng có do những thỏa thuận đa phương mang tính lịch sử như Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc (LHQ) về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu mang lại. Xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc cùng xu thế cải cách, đổi mới của các cơ chế đa phương được thúc đẩy. Diễn đàn ASEM cũng đang ở thời điểm chuyển đổi quan trọng.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga (ngoài cùng bên trái) tại Cuộc họp Hội đồng Thống đốc Quỹ Á – Âu, tháng 11/2017 tại Đà Nẵng. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tất cả cơ hội và thách thức đó tạo nên động lực mới, yêu cầu mới đối với quan hệ đối tác Á - Âu. Là cơ chế hợp tác rộng lớn của hai trung tâm kinh tế - chính trị đầu tàu của phát triển và đổi mới sáng tạo, đại diện cho 58% dân số thế giới và đóng góp hơn 50% GDP, hơn 60% thương mại toàn cầu, ASEM cần đóng vai trò tiên phong trong hợp tác quốc tế. Khi hợp tác đa phương bị thách thức, đây chính là lúc ASEM cần thể hiện vai trò dẫn dắt. Ngoại giao đa phương nước ta đang nỗ lực cùng bè bạn Á - Âu để biến thách thức thành cơ hội của hợp tác và phát triển. Cuộc họp lần này cho thấy rõ mục tiêu đó.
Vậy ASEF đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc nâng cao tính thiết thực, hiệu quả của hợp tác ASEM cũng như tăng cường vị thế của Diễn đàn, thưa Đại sứ?
ASEM là diễn đàn đối thoại không chính thức. Quỹ ASEF là cơ chế duy nhất của ASEM có bộ máy, nhân sự, nguồn tài chính do các thành viên đóng góp, được thành lập nhằm mục đích tăng cường hiểu biết, giao lưu nhân dân hai châu lục Á - Âu. Bản thân tôi may mắn chứng kiến sự ra đời của Quỹ ASEF vào tháng 2/1997 tại Singapore dịp Hội nghị
Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ nhất. Đến nay, được tham gia hoạt động của các Thống đốc, tôi thấy rõ vai trò cũng như khả năng thích ứng, cải cách của ASEF để đáp ứng tốt hơn nhu cầu hợp tác, giao lưu của hai châu lục.
Trong chặng đường vừa qua, ASEF đã thể hiện được vai trò tiên phong trong việc thực hiện các mục tiêu của ASEM, đóng góp khá hiệu quả vào việc thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau, phối hợp chính sách, giao lưu nhân dân, thanh niên, doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, giới truyền thông... Đây là tính chất khá đặc trưng riêng có của ASEM và trở thành những trọng tâm hoạt động của ASEF. Từ ba chương trình giao lưu nhân dân, văn hóa và tri thức, đến nay, ASEF đã mở rộng thành sáu trụ cột hợp tác mới là giao lưu văn hóa, giáo dục, phát triển bền vững, kinh tế, y tế và quản trị toàn cầu. Đây là những vấn đề rất thiết thực đối với người dân hiện nay.
Tuy nhiên, thời gian tới, ASEF cần đóng một vai trò năng động hơn trong việc góp phần xác định hướng đi mới cho ASEM trong kỷ nguyên số. Cần làm cho các cuộc trao đổi của ASEM thực chất hơn, không chỉ về chính trị - an ninh mà cả về những vấn đề kinh tế - phát triển mà người dân quan tâm. Cần coi trọng thỏa đáng hợp tác kinh tế và nhất là sự tham gia, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong các hoạt động. Vấn đề quan trọng nữa là ASEF cần thúc đẩy sự phối hợp, bổ trợ của ASEM với các cơ chế toàn cầu và khu vực như LHQ, WTO, APEC, ASEAN… Qua đó, thể hiện tính năng động và đổi mới của hợp tác Á - Âu nói chung và Quỹ ASEF nói riêng, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác cũng như vai trò của ASEM.
Đại sứ có thể giới thiệu một số dự án hợp tác tiêu biểu của ASEM và ASEF mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân và doanh nghiệp?
Hơn 20 năm qua, chúng ta tự hào là một trong những thành viên đóng góp tích cực nhất đối với hợp tác ASEM và trong các hoạt động của ASEF. Chúng ta đã đóng góp và tranh thủ được khoảng 100 hoạt động trong các khuôn khổ này, trong đó ta đề xuất, chủ trì 50 dự án của ASEF với sự trợ giúp khoảng 1,6 triệu USD. Các hoạt động, dự án của ASEM và ASEF đã hỗ trợ chúng ta trong việc nâng cao năng lực giải quyết nhiều vấn đề thiết thực đối với người dân như y tế, giáo dục - đào tạo, bảo tồn văn hóa, ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước, phát triển bền vững, phát triển doanh nghiệp, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, giao lưu thanh niên, lãnh đạo trẻ…; đồng thời, thiết thực góp phần quảng bá tiềm năng phát triển của các vùng miền nước ta, hình thành tư duy, văn hóa hội nhập.
Đáng nói là, ngay từ những năm đầu tham gia ASEM, chúng ta là một trong những nước châu Á đã được Quỹ Tín thác ASEM (1998 – 2005) hỗ trợ nhiều nhất với 13,2 triệu USD để khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 – 1998. Các hội nghị, hội thảo của ASEM và ASEF tổ chức ở nước ta về phối hợp chính sách xử lý hệ lụy của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, định hình mô hình phát triển, đào tạo nguồn nhân lực… đã góp phần không nhỏ giúp chúng ta có tư duy, cách tiếp cận mới về kinh tế - phát triển.
Lĩnh vực quan trọng mà chúng ta đã tranh thủ hiệu quả sự ủng hộ, hợp tác của ASEM là quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong. Ta đã đi đầu khởi xướng ý tưởng, cùng nhiều thành viên Á – Âu thiết lập “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững” kể từ năm 2011, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác về quản lý bền vững nguồn nước xuyên biên giới mà nòng cốt là các nước ven sông Mekong – Danube. Qua đó, đã hình thành cơ chế hợp tác mới của tiểu vùng Mekong với Liên minh châu Âu (EU).
Các thành viên ASEM đánh giá cao và tham gia tích cực sáng kiến Việt Nam – EU tổ chức định kỳ từ năm 2013 “Đối thoại về các vấn đề biển và Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS)”. Trong tình hình hòa bình, ổn định ở hai châu lục, Đông Nam Á và Biển Đông diễn biến phức tạp và bị thách thức, nỗ lực này của ASEM có ý nghĩa góp phần thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình và pháp lý.
Thời gian tới, chúng ta sẽ tích cực tham gia xây dựng tầm nhìn của ASEM trong thập niên mới, đồng thời phát huy vai trò nhóm nước điều phối năm lĩnh vực hợp tác về giáo dục, đào tạo nghề, ứng phó thiên tai, bảo vệ tài nguyên nước và công nghệ thông tin. Đây là những vấn đề sát sườn đối với người dân chúng ta, đáp ứng nhu cầu mới của phát triển bền vững và khi Việt Nam là một trong 20 nước dự báo bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Việc chúng ta tiếp tục chủ động đóng góp, tích cực tham gia định hướng tương lai cho hợp tác ASEM sẽ góp phần nâng tầm đối ngoại đa phương trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Việt Nam có nhiều đóng góp nổi bật tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM 13 Đó là nhận định của Đại sứ Trần Ngọc An, Trưởng SOM ASEM Việt Nam trong cuộc trả lời phỏng vấn về kết quả Hội ... |
Vì hòa bình và phát triển bền vững trong ASEM Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 13 của Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) diễn ra tại Nay Pyi Taw, Myanmar đã thành ... |
Thúc đẩy quan hệ nhiều mặt giữa Việt Nam với Na Uy và Ireland Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13 (FMM-13), ngày 21/11, Phó Thủ tướng, Bộ ... |