Trình độ, kỹ năng của lao động Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt. Ảnh minh họa. (Nguồn: VGP) |
Trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội, năng suất lao động (NSLĐ) là yếu tố quyết định nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cải thiện và thúc đẩy tăng NSLĐ là vấn đề cốt lõi, để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ của các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước có mức thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế được tăng lên. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng thời, an sinh xã hội được bảo đảm, thu nhập và đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, xã hội ổn định, ngày càng tiến bộ.
Việt Nam đã thu hẹp được tương đối khoảng cách với các nước trong khu vực ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Nếu năm 2011, NSLĐ của Singapore, Malaysia, Thái Lan lần lượt gấp NSLĐ của Việt Nam là 12,4 lần; 4,3 lần; 2,1 lần thì đến năm 2022 khoảng cách này giảm xuống tương ứng còn 8,8 lần; 2,8 lần và 1,5 lần.
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu và tham khảo từ ILO, năm 2020, NSLĐ của Việt Nam chỉ tăng 5,4% (năm 2019 là 6,2%) và ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Cụ thể, NSLĐ bình quân đạt mức 117,94 triệu đồng, tương đương khoảng 5.081 USD/lao động.
Trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam là 5,1%, cao hơn mức trung bình của ASEAN, chỉ đứng sau Campuchia. Mức tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam vẫn chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác. Cụ thể, NSLĐ của Việt Nam vẫn thấp hơn 26 lần so với Singapore, 7 lần so với Malaysia, 4 lần so với Tung Quốc, 2 lần so với Philippines, 3 lần so với Thái Lan.
Theo Cục việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), năm 2020, tỷ lệ thiếu việc làm của Việt Nam là 2,51% (so với 1,5% năm 2019), ở mức cao nhất trong 5 năm qua.
Trình độ và kỹ năng của lao động chưa cao
Báo cáo năm 2020 của Tổ chức năng suất châu Á cũng cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam đi sau Thái Lan 10 năm, Malaysia 40 năm và Nhật Bản là 60 năm. Nước ta đang trong thời kỳ dân số vàng, có lực lượng lao động hùng hậu với hơn 51 triệu người, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Theo nhiều chuyên gia, nếu chúng ta không có chính sách để tận dụng thời cơ và phát huy thế mạnh của thời kỳ dân số vàng thì đây sẽ là lãng phí rất lớn.
Mặc dù thị trường lao động hiện nay của Việt Nam đã có nhiều cải thiện. Về số lượng, chúng ta có khoảng trên 50 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên, đây là một lợi thế. Với kết cấu dân số trẻ, số lượng lao động dồi dào, Việt Nam có nhiều điểm cộng trong thị trường lao động. Tuy nhiên, chất lượng lao động của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp văn bằng, chứng chỉ cũng chưa đạt đến 30%.
ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, chú trọng nhiều hơn công tác giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, kỹ năng và kỷ luật lao động. (Ảnh: NVCC) |
Từ thực trạng đó, theo ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, để tăng năng suất lao động, cần chú trọng nhiều hơn công tác giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là nâng cao chất lượng đào tạo nghề...
“Lao động Việt Nam dù đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa thích ứng cao với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế”, bà Nga cho hay.
Trong khi đó, khoảng cách về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực vẫn còn rất xa. Ở Đông Nam Á, giai đoạn 2010-2019, năng suất lao động Việt Nam chỉ cao hơn Timor Leste, Campuchia và Myanmar (theo số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2019).
Đề cập nguyên nhân, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, trình độ và kỹ năng của lao động Việt Nam vẫn ở mức thấp so với yêu cầu và so với nhiều nước trong khu vực. Trong số những lao động đã được cấp văn bằng, chứng chỉ, số lao động khi tham gia thị trường lao động phải đào tạo lại, đào tạo thêm rất nhiều chứng tỏ chất lượng giáo dục nghề nghiệp của chúng ta chưa cao. Bên cạnh đó, khả năng hội nhập của người lao động Việt Nam chưa tốt, trình độ tay nghề còn thấp so với tiêu chuẩn khu vực và trên thế giới. Kỹ năng lao động thấp chính là rào cản lớn trong việc nỗ lực nâng cao năng suất lao động...
Cần chú trọng công tác giáo dục nghề nghiệp
Trước yêu cầu ngày càng cao về lao động có kỹ năng nghề phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, lực lượng lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập.
ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, chúng ta cần có những giải pháp để nâng cao năng suất lao động. Trong đó, chú trọng nhiều hơn công tác giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng và kỷ luật lao động. Tăng cường đầu tư vào khoa học và công nghệ để cải thiện hạ tầng lao động.
Việt Nam có cơ cấu “dân số vàng”, lực lượng lao động dồi dào với hơn 51 triệu người, chiếm trên 55% dân số, là lợi thế để tiếp cận trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, tạo nên sức cạnh tranh khi nước ta hội nhập quốc tế, tham gia các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm và thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã xác định nhân tố con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển. Do đó, cần chú trọng phát triển toàn diện nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng nghề cao, đồng thời cần phải biết cách giữ chân những công chức, viên chức, người lao động có năng lực. Đây được coi là giải pháp đột phá, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
| TS. Cù Văn Trung: Việt Nam chú trọng các chính sách an sinh xã hội TS. Cù Văn Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Tư vấn và đào tạo giáo dục, cho rằng, chính sách ... |
| 'Chất' thanh lịch của Hà Nội mang hơi thở thời đại Theo GS. NGND Nguyễn Lân Dũng, chất thanh lịch theo người xưa, nếp cũ của Hà Nội cần hòa hợp với quá trình đô thị ... |
| Đưa di sản Việt Nam ra thế giới Những di sản văn hóa đã và đang góp phần đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, ... |
| Cần thay đổi nhận thức về bình đẳng giới Để lồng ghép giới tốt vào các chính sách an sinh xã hội, nhân sự tham gia quy trình ngân sách cũng cần có hiểu ... |
| Tăng lương để tạo động lực cho sự phát triển và 'giữ chân' người tài TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, tăng lương tạo ra động lực để giữ chân công chức của khu vực công, thu hút người tài... |