NASA đang chuẩn bị phóng tên lửa thực hiện Nhiệm vụ Artemis I. (Nguồn: technologyreview.com) |
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) dự kiến ngày 27/9 hoặc 2/10 sẽ phóng tên lửa mới khổng lồ Orion lên Mặt Trăng để thực hiện Nhiệm vụ Artemis I.
Artemis I là nhiệm vụ đầu tiên trong Chương trình thám hiểm Mặt Trăng Artemis.
Theo lộ trình, Chương trình thám hiểm Mặt Trăng Artemis được chia làm ba giai đoạn. Sau Nhiệm vụ Artemis I khi con tàu được phóng mà không có phi hành đoàn, các phi hành gia sẽ thực hiện chuyến bay trong Nhiệm vụ Artemis II vào năm 2024 và Nhiệm vụ Artemis III vào năm 2025.
NASA đang cố gắng khắc phục sự cố nhiên liệu hydro bị rò rỉ, và vượt qua cuộc kiểm tra động cơ và nhiên liệu, những vấn đề khiến Nhiệm vụ Artemis I đã hai lần bị hủy vào ngày 29/8 và 3/9. Trong lần phóng thử gần đây nhất tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida vào ngày 3/9, tên lửa đã bị rò rỉ khi nó được tiếp nhiên liệu bằng hydro lỏng siêu lạnh.
Theo NASA, Nhiệm vụ Artemis I dự kiến diễn ra vào ngày 27/9, tuy nhiên, ngày 2/10 là một ngày dự phòng tiềm năng đang được xem xét.
Công việc sửa chữa khắc phục rò rỉ hydro được thực hiện vào cuối tuần qua, theo NASA.
Theo cơ quan này, cuộc kiểm tra vào ngày 21/9 bao gồm một bài kiểm tra xem động cơ còn bị rò rỉ không.
Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, Artemis I sẽ cất cánh vào ngày 27/9 với khoảng thời gian phóng kéo dài khoảng 70 phút.
Chương trình Artemis là một dự án hàng không vũ trụ của Mỹ với mục tiêu đưa con người quay trở lại Mặt Trăng vào năm 2024. Chương trình đang được triển khai chủ yếu bởi NASA, các công ty vũ trụ thương mại của Mỹ, phối hợp cùng các đối tác quốc tế như Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA), Cơ quan vũ trụ Canada (CSA) và Cơ quan Vũ trụ Australia (ASA).
NASA đã thành công trong việc lần đầu tiên đưa người lên Mặt Trăng qua chương trình Apollo với tổng cộng 6 tàu Apollo cùng 12 nhà du hành vũ trụ hạ cánh trên Mặt Trăng từ năm 1969 đến 1972. Tuy nhiên mục tiêu của Chương trình Artemis không chỉ là đưa người quay trở lại mà còn là duy trì sự hiện diện lâu dài của con người trên Mặt Trăng, đồng thời tạo điều kiện cho các công ty của Mỹ tìm hiểu các lợi ích kinh tế trên Mặt Trăng.