📞

NATO đón 'tuổi' 75, tự tin là liên minh thành công nhất lịch sử, chuẩn bị cho một 'vai trò lớn' liên quan Ukraine

Bảo Minh 17:07 | 05/04/2024
Ngày 4/4, tại trụ sở ở thủ đô Brussels (Bỉ), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã kỷ niệm 75 năm thành lập, bên lề cuộc họp các Ngoại trưởng của liên minh, diễn ra trong hai ngày 3-4/4.
Cờ của 32 quốc gia và biểu tương của NATO trước sân trụ sở liên minh ở Brussels, Bỉ. (Nguồn: DPA)

Sự kiện có sự tham dự của Ngoại trưởng 32 quốc gia thành viên NATO.

Trong bài phát biểu, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương này hiện đang “lớn mạnh hơn và đoàn kết hơn bao giờ hết”, đồng thời là tổ chức "mạnh nhất, bền vững nhất và thành công nhất trong lịch sử".

NATO được thành lập vào ngày 4/4/1949, sau khi ngoại trưởng của 12 quốc gia - gồm các nước châu Âu là Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Anh, Italy, Iceland, Luxembourg, Na Uy, Hà Lan và Bồ Đào Nha, cùng với 2 nước ở bên kia Đại Tây Dương là Mỹ và Canada - ký kết Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tại Washington, nhằm bảo vệ tập thể lãnh thổ của các thành viên.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vào năm 2022 đã tiếp thêm sinh lực cho NATO khi liên minh này phải đối mặt với một trong những thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi khối quân sự nổi lên "từ đống tro tàn" của Thế chiến II chống lại Liên Xô.

Liên minh này đã củng cố lực lượng trên khắp Đông Âu và phát triển với 32 thành viên sau khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập.

Tuy nhiên, theo AFP, ở tuổi 75, trong khi đang phải tập trung sự chú ý vào Moscow, NATO phải đối phó với một mối lo ngại khác đó là khả năng quay trở lại Nhà Trắng của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người có thể làm suy yếu khối gắn kết của NATO khi luôn gây áp lực lớn lên các thành viên phải chi tiêu đủ cho quốc phòng.

Tại lễ kỷ niệm, nhấn mạnh không tin rằng một mình Mỹ hay một mình châu Âu có thể gánh vác NATO, ông khẳng định: "Tôi chỉ tin rằng sự cộng hưởng của cả Mỹ và châu Âu trong NATO mới có thể bảo vệ và khiến chúng ta trở nên mạnh hơn".

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với tờ DW của Đức, ông Stoltenberg lưu ý, những lời chỉ trích từ cựu Tổng thống Trump cũng như từ những người khác "không phải chủ yếu chống lại NATO mà là chống lại các thành viên không đóng góp đủ cho liên minh".

Liên quan vấn đề Ukraine, tại cuộc họp các ngoại trưởng NATO, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng sự ủng hộ của các nước thành viên liên minh với việc kết nạp Kiev vẫn “vững chắc” và “Ukraine sẽ trở thành thành viên của chúng ta”.

Tại cuộc họp, các ngoại trưởng đã nhất trí bắt đầu tiến tới lập kế hoạch cho vai trò lớn hơn của liên minh trong việc hỗ trợ và đào tạo an ninh” tại Ukraine, đảm bảo NATO duy trì vai trò trực tiếp hơn trong việc điều phối cung cấp vũ khí, đạn dược và thiết bị cho Kiev trong cuộc xung đột với Nga.

Dù đạt nhất trí cao về vấn đề trên, đề xuất thành lập quỹ 5 năm trị giá 107 tỷ USD của Tổng thư ký Stoltenberg lại vấp phải sự phản đối khi lãnh đạo ngoại giao các nước thành viên NATO thừa nhận, khoản quỹ này có thể tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.

Các quyết định cụ thể về đề xuất trên sẽ được xem xét tại Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 tới của các nhà lãnh đạo các nước thành viên NATO ở Washington, Mỹ.