Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Nguồn: Today.in-24) |
Theo thỏa thuận này, NATO sẽ tăng cường hợp tác và hỗ trợ Ukraine hiện đại hóa các cơ sở dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, đồng thời xác định các lĩnh vực có thể cần đào tạo cho nhân viên.
Đại sứ Ukraine tại NATO Natalia Galibarenko nhấn mạnh, "với sự hỗ trợ của NATO, chúng tôi có kế hoạch tiếp tục đưa các công nghệ và dịch vụ thông tin hiện đại vào hệ thống chỉ huy và kiểm soát của các lực lượng vũ trang Ukraine".
Trước đó, ngày 14/1, Ukraine thông báo về một vụ tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào khoảng 70 trang web chính của chính phủ nước này trong ngày 12/1, khiến một số trang web không thể truy cập.
Cơ quan an ninh quốc gia Ukraine (SBU) cho biết, "có một số dấu hiệu của các nhóm hacker có liên quan các cơ quan tình báo Nga”.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, trả lời phỏng vấn The Wall Street Journal (WSJ), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, liên minh quân sự này đã phát triển hoạt động đến mức vượt khả năng của mình vào thời điểm Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Theo ông Stoltenberg: “Nếu mục tiêu của Tổng thống Nga Vladimir Putin là giảm sự hiện diện của NATO tại biên giới nước Nga, thì ông ấy đã đạt được điều hoàn toàn ngược lại”.
Nói rõ, việc mở rộng chưa từng thấy các lực lượng NATO bắt đầu từ sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea vào Liên bang Nga năm 2014 và nhằm kiềm chế Moscow, ông Stoltenberg xác nhận: “Có nhiều lính Mỹ ở châu Âu hơn 7 năm trước. Hiện chúng tôi cùng nhau làm được nhiều điều ở Bắc Mỹ và châu Âu hơn so với nhiều thập niên qua”.
Ngày 14/1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, nếu các đề xuất của nước này về đảm bảo an ninh - trong đó có việc NATO không mở rộng về phía Đông - bị từ chối, Moscow "sẽ đưa ra quyết định có tính đến tất cả các yếu tố, trước tiên là để đảm bảo an ninh chắc chắn cho mình”.
Ông cũng tuyên bố rằng Nga đang chờ phản hồi bằng văn bản từ Mỹ và NATO về các đảm bảo an ninh này.