Thưa PGS, thời gian gần đây, có những luồng dư luận trái chiều xung quanh chuyện bỏ hay không bỏ biên chế giáo viên. Là một nhà giáo, bà nghĩ sao về điều này?
Tôi được biết hiện có rất ít quốc gia trên thế giới còn áp dụng chế độ biên chế đối với viên chức cho nên chuyện bỏ biên chế là điều trước sau cũng phải tiến hành.
Tuy nhiên, tôi có thắc mắc là tại sao chúng ta chỉ bàn đến chuyện bỏ biên chế cho giáo viên mà không bàn đến những ngành khác? Điều này rõ ràng không công bằng với nghề giáo.
Nghề giáo không hề kém sức cạnh tranh hơn các nghề khác. Thế thì tại sao lại chỉ bỏ biên chế với nghề giáo mà không phải là bỏ biên chế với tất cả các ngành khác?
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh. (Ảnh: NVCC) |
Phải chăng việc bỏ biên chế trong ngành giáo dục sang hợp đồng không quan trọng bằng việc đổi mới giáo dục như thế nào cho hợp lý?
Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định đó. Chuyện quan trọng nhất trong giáo dục chính là quản lý. Trong đó, quản lý từ con người cho đến nội dung và phương pháp đào tạo. Cải cách quản lý mới là điều quyết định làm cho cải cách giáo dục trở nên thực chất, giúp giáo dục có chuyển biến tích cực chứ không phải chuyện có biên chế hay không.
Tôi nghĩ trước sau gì cũng bỏ biên chế thôi, nhưng vì sao lại bỏ vào thời điểm này?
Vậy theo bà, xóa biên chế có nâng cao được chất lượng dạy học, có giải quyết được vấn đề thu nhập cho giáo viên như kỳ vọng hay không, thưa PGS?
Tôi không thấy là bỏ biên chế thì sẽ nâng cao được chất lượng giáo dục. Như những gì chúng ta được biết, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về bỏ biên chế sẽ để cho hiệu trưởng toàn quyền quyết định. Thế nhưng, chúng ta hãy thử làm một cuộc khảo sát trên toàn quốc xem các giáo viên có hài lòng với chất lượng của hiệu trưởng hay không?
Bỏ biên chế của giáo viên sẽ khiến thầy cô không yên tâm giảng dạy. (Nguồn: Giaoducthoidai) |
Có ý kiến cho rằng, việc bỏ biên chế sẽ làm xáo trộn ngành Giáo dục, khiến thầy cô không yên tâm công tác. Bà có cho rằng để làm được điều này cần một lộ trình dài hơi và rõ ràng?
Thực ra, tôi không quan trọng lắm chuyện biên chế. Chúng ta có thể nhìn thấy rằng, ở Việt Nam, chất lượng đào tạo của nhiều trường có yếu tố nước ngoài, trường tư hiện được đánh giá tốt hơn các trường công lập. Giáo viên ở các trường đó có biên chế đâu?
Vì vậy, ta không thể cho rằng không có biên chế thì giáo viên không tận tâm cống hiến. Tôi nghĩ, vấn đề của giáo dục ở đây là chính sách tuyển dụng, đãi ngộ giáo viên và quản lý việc dạy và học như thế nào?
Theo bà, nếu bỏ biên chế giáo viên thì có thể nảy sinh những hệ quả gì?
Nói về hệ quả, chúng ta có thể nhìn thấy việc đầu tiên là hiệu trưởng có quyền “tự tung tự tác” hơn rất nhiều. Chúng ta đều thấy cơ chế về tuyển dụng ở Việt Nam đa phần là không ổn. Cơ chế đánh giá về năng lực của cán bộ cũng không ổn. Đấy mới là những lý do khiến giáo dục tụt hậu.
Trong khi đó, quá nhiều người nắm quyền quyết định chương trình, cách thức đào tạo và mọi hoạt động của nhà trường lại không thể hiện cái tâm với nghề giáo, không có chuyên môn tốt.
Trong một số trường hợp chúng ta tuyển những cán bộ có chuyên môn tốt lên làm quản lý mà không đào tạo kiến thức quản lý. Thành ra, ta mất đi một giáo viên dạy giỏi mà thêm một người quản lý tồi. Tôi nghĩ đấy là điều mà chúng ta cần quan tâm chứ không phải chuyện giáo dục có biên chế hay không có biên chế.
Các nước trên thế giới có tình trạng này không, thưa bà?
Ví dụ như ở Mỹ, hầu hết ở các trường phổ thông, giáo viên đều không có biên chế. Thông thường họ chỉ có biên chế cho hai loại. Thứ nhất là dành cho giáo sư có trình độ rất cao bởi người ta tin tưởng những người thực sự giỏi giang chỉ an tâm làm việc khi không còn phải lo chuyện miếng cơm manh áo. Họ được vào biên chế nhờ những nghiên cứu xuất sắc của họ.
Trường hợp hai là ở một số nơi có điều kiện đặc biệt nào đó phải thu hút giáo viên, người ta mới dùng biên chế. Còn lại, người ta đều tuyển dụng theo hợp đồng cả.
Xin cảm ơn bà!