📞

'Nên có điều tra khách quan hằng năm để biết người dân thích đọc sách gì, đọc sách thế nào?'

Phi Khanh 10:11 | 18/04/2023
Đề cập chuyện làm sao để lan tỏa văn hóa đọc, nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng, phải có các cuộc điều tra tổng thể, rộng lớn và khách quan hằng năm để biết chính xác người dân đọc sách thế nào, đọc sách gì...
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương nêu quan điểm, muốn hiểu sâu, có hệ thống, suy ngẫm sâu sắc và tạo ra nền tảng văn hóa chung thì phải đọc sách. (Ảnh: NVCC)

Ở Nhật Bản, trong đời sống thường ngày, cảnh người dân đọc sách trên tàu điện, xe bus, nhà ga, sân bay, trong công viên trở nên quen thuộc… Ông có thể chia sẻ về văn hóa đọc ở Nhật Bản hiện nay và bài học kinh nghiệm gì cho Việt Nam?

Nhật Bản đã từng đạt đỉnh cao trong văn hóa đọc. Những năm 1970-1980, các chỉ số liên quan đến văn hóa đọc của Nhật vô cùng ấn tượng. Sau này, khi Internet phổ cập, văn hóa đọc có chiều hướng giảm sút nhưng họ đã nhanh chóng có Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em (2001), Luật chấn hưng văn hóa đọc (2005) để ứng phó.

Trong trường học cũng có phong trào đọc sách 10 phút buổi sáng, thi hùng biện về sách… để “xốc” lại văn hóa đọc. Vì vậy, xét mọi mặt, họ vẫn tiến rất xa so với ta về văn hóa đọc. Chuyện đến thư viện mượn sách, đọc sách cho con nghe hay đọc sách ở công viên, trong tàu xe là rất bình thường, không có gì lạ lẫm.

Theo tôi, Việt Nam cần phải học Nhật Bản trong việc đề ra và thực hiện chính sách vĩ mô về khuyến đọc (các bộ luật, các chiến lược quốc gia, các phong trào rộng lớn). Song song đó, từng người dân, đoàn thể, tổ chức, cơ quan phải phát huy tối đa sự chủ động, sáng tạo khi tiến hành hoạt động khuyến đọc vi mô từ gia đình, tổ dân phố, công ty, cơ quan tới địa phương.

Đặc biệt, sự hợp tác giữa những cá nhân có cùng mối quan tâm và khát vọng phát triển văn hóa đọc cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy văn hóa đọc trên toàn quốc. Những cá nhân này cần liên kết, hợp tác với nhau dưới nhiều hình thức phong phú như diễn đàn, câu lạc bộ, nhóm… để trao đổi thông tin, kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau.

Theo thống kê từ Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông), bình quân mỗi năm một người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách. Con số này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Vậy chúng ta cần làm gì để xây dựng và phát triển văn hóa đọc?

Cả Nhà nước, các tổ chức, cơ quan và người dân phải cùng nỗ lực để cải thiện điều này bằng chính sách vĩ mô và các hoạt động cụ thể. Tuy nhiên, theo tôi, cũng cần phải có các cuộc điều tra tổng thể, rộng lớn và khách quan hằng năm hoặc ít nhất 2 năm một lần để biết chính xác người dân đọc sách thế nào, đọc sách gì.

Cách tính toán như hiện tại chỉ là lấy số bản sách đã xuất bản trong năm chia bình quân cho dân số. Cách tính đó tuy phản ánh ít nhiều xu hướng nhưng không chính xác.

Nhiều ý kiến cho rằng, thời đại công nghệ, truyền thông đa phương tiện, người ta có thể đọc bằng nhiều cách, lướt điện thoại xem tin tức cũng là một cách đọc, không nhất thiết cứ phải là sách. Đây có được xem là trở ngại của văn hóa đọc trong thời kỳ chuyển đổi số?

Đúng vậy, Internet và thiết bị kỹ thuật số đã làm thay đổi thói quen của người lớn và ảnh hưởng lớn đến lối sống của trẻ em, thanh thiếu niên. Đọc trên mạng xã hội cũng tốt nhưng nó chỉ giúp đọc để biết các mảnh tin tức vụn vặn, các tri thức rời rạc.

Muốn hiểu sâu, có hệ thống, suy ngẫm sâu sắc và tạo ra nền tảng văn hóa chung thì phải đọc sách. Sách điện tử, sách nói cũng rất tốt nhưng số lượng đầu sách còn hạn chế, nhất là sách phục vụ học tập, giáo dục.

Đối với trẻ nhỏ dưới 10 tuổi thì hiển nhiên sách giấy quan trọng hơn vì dùng các thiết bị điện tử có nguy cơ gây hại cho mắt, sức khỏe và sự tập trung…

Đối với phần đông người dân Nhật Bản, việc đọc sách đã trở thành một thói quen ăn sâu bén rễ mà không dễ dàng từ bỏ. Theo ông, văn hóa đọc phải bắt đầu từ đâu? Làm sao để đọc sách trở thành mục tiêu giáo dục?

Theo tôi, có mấy việc cần phải làm ngay. Trước hết, cải cách giáo dục phải tiến tới thực chất. Học giỏi phải dựa trên nền tảng đọc. Dạy tốt phải dựa trên nền tảng đọc, nghiên cứu, nghiền ngẫm.

Giáo dục không phải là luyện thi và trường học không được phép là trung tâm luyện thi toàn thời gian. Ở quy mô gia đình, cần phổ cập mô hình tủ sách gia đình và hoạt động đọc sách cho con nghe từ 0 tuổi.

Suy cho cùng, thành bại của mọi chính sách hay công cuộc cải cách đều nằm ở sự chuyển biến của từng người dân. Vậy trách nhiệm của các bên liên quan thế nào?

Từ Nhà nước tới người dân đều phải có trách nhiệm. Trong đó, trách nhiệm vĩ mô thuộc về Nhà nước và các cơ quan văn hóa, giáo dục, đứng đầu là các bộ.

Người dân cũng phải có trách nhiệm với con em mình trong việc chủ động tạo ra môi trường khuyến đọc từ chính gia đình và hỗ trợ nhà trường xây dựng thư viện, môi trường văn hóa đọc.

Ở Nhật Bản, thư viện trường học được quan tâm và chúng đã tạo ra môi trường tốt cho học sinh đọc sách. Bên cạnh đó, những thực tiễn giáo dục khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo đã thúc đẩy hoạt động đọc sách của học sinh.

Ngay từ khi học mẫu giáo, các cô giáo đã đọc sách cho học sinh nghe. Ở tiểu học, học sinh sẽ có giờ “đọc sách” bên cạnh các giờ học dành cho các môn giáo khoa. Những hoạt động này giúp cho học sinh có thói quen đọc sách và học theo kiểu nghiên cứu.

Là một người quan tâm đến giáo dục và nghiên cứu giáo dục, theo ông, cần làm gì để tạo ra môi trường văn hóa đọc trong cộng đồng chứ không phải là phong trào rầm rộ kêu gọi đọc sách để rồi cao điểm đi qua, đâu lại vào đấy?

Nhìn tổng thể, các bậc phụ huynh ở Nhật rất coi trọng việc giáo dục con cái. Họ ý thức được rằng, Nhật Bản là một nước nghèo về tài nguyên thiên nhiên và có môi trường cạnh tranh khắc nghiệt, vì vậy, để có thể tồn tại và sống tốt trong xã hội, cá nhân cần phải có trí tuệ thông qua học hành.

Do đó, việc xây dựng tủ sách gia đình, đọc sách cho con nghe, hướng dẫn con đọc sách tại gia đình trở thành lẽ đương nhiên. Trẻ em trong các gia đình Nhật Bản được đọc sách khá sớm. Bản thân con tôi khi sinh ra ở Nhật đã được tặng cuốn sách đầu tiên và tôi được hướng dẫn cách đọc sách cho con nghe khi cháu mới 3 tháng tuổi.

Như vậy, mọi thứ cần đi vào thực chất. Ở Việt Nam, muốn thực chất, người dân phải nhận thức sâu sắc và chủ động làm những việc mình có thể làm. Chỉ có như thế, các cơ quan, đoàn thể mới không đi vào lối khoa trương, hình thức hoặc giả dối. Sự giám sát của người dân là rất quan trọng.

Xin cảm ơn ông!

Nhà nghiên cứu giáo dục, dịch giả Nguyễn Quốc Vương đã dịch và viết khoảng 90 cuốn sách về giáo dục, lịch sử, văn hóa. Một số cuốn tiêu biểu như:

- Sách dịch: Cải cách giáo dục Việt Nam, Phẩm cách quốc gia, Hạnh phúc với cuộc sống thường ngày...

- Sách viết: Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm, Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản, Môn sử không chán như em tưởng, Đường xa nghĩ về giáo dục Việt Nam, Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam…

Giải thưởng: Giải Sách Hay 2020 dành cho cuốn Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản.