📞

Nền kinh tế đang cần những gói hỗ trợ đặc biệt để không 'lỡ nhịp'

Ly Ly 16:51 | 05/12/2021
Rất nhiều giải pháp, đề xuất đã được các chuyên gia kinh tế đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững" ngày 5/12 tại Hà Nội. Theo các chuyên gia, nền kinh tế cần một gói chính sách đặc biệt, đủ mạnh, kịp thời và cần thiết nếu không muốn "lỡ nhịp" và tụt hậu.

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 liên tục diễn biến phức tạp, kéo dài đã tác động nặng nề, toàn diện đến hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới. Trong nước, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đến tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế, y tế, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội…

Với kịch bản dự báo khả quan nhất, nếu không có các chính sách, giải pháp quyết liệt, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021-2025 có thể thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Nền kinh tế sẽ đối mặt với không ít rủi ro, thách thức về kiểm soát gia tăng lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, lao động việc làm, an sinh xã hội, an ninh, trật tự xã hội bị tác động tiêu cực…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021. (Nguồn: VOV)
Mặc dù Chính phủ đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh nhưng quy mô các chính sách hỗ trợ còn chưa đủ lớn. Các chính sách đã ban hành chủ yếu tác động về phía cung, chưa thực sự hỗ trợ mạnh mẽ cho người dân, doanh nghiệp, chưa có giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực đủ mạnh để thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả về phía cung và phía cầu của nền kinh tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nền kinh tế sẽ không thể sớm phục hồi và tăng tốc. Từ đó, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu hằng năm, 5 năm, 10 năm, làm suy yếu thành quả, nỗ lực của cả đất nước sau hơn 35 năm đổi mới, nguy cơ tụt hậu so với khu vực và thế giới.

Kinh tế Việt Nam trước nguy cơ “lỡ nhịp”

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực - đại diện Nhóm nghiên cứu của Thường trực Uỷ ban Kinh tế và các chuyên gia cho rằng, năm 2020 kinh tế Việt Nam hồi phục khá tốt với tăng trưởng GDP ở mức 2,91%. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, nền kinh tế như đang bị “lỡ nhịp”.

Về lao động, việc làm, xã hội, nhiều ngành nghề đều bị tác động tương đối mạnh bởi đại dịch Covid-19. Có 8 lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch, trong đó có 3 lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch, vận tải và lưu trú/ăn uống.

“Việt Nam có vẻ như đang phục hồi theo hình chữ U, trong khi thế giới đang hồi phục theo hình chữ V rất rõ nét, dù năm tới có thể chậm lại. Do đó, nếu chúng ta không có những chương trình, gói hỗ trợ đặc biệt, chúng ta sẽ ‘lỡ nhịp’, lỡ cơ hội và bị tụt hậu”, ông Lực khẳng định.

Ông Lực dự báo, triển vọng kinh tế năm 2022 sẽ tương đối khó khăn, GDP có thể chỉ tăng 4-4,5%, lạm phát tăng 3,4-3,7%. Mặc dù vậy, vẫn có những cơ hội mới, một số lĩnh vực phát triển nhanh như thương mại điện tử, dịch vụ tài chính (chứng khoán, quỹ đầu tư), logistics, kinh doanh trực tiếp…

Theo ông Lực, các chính sách tài khóa mà thế giới áp dụng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chủ yếu bao gồm: tăng chi cho y tế; chi đảm bảo an sinh xã hội; hỗ trợ tiếp cận vốn cho doanh nghiệp thông qua các chương trình cho vay ưu đãi, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất; giãn, hoãn nộp thuế và các khoản nộp an sinh xã hội; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng…

TS. Cấn Văn Lực - đại diện Nhóm nghiên cứu của Thường trực Uỷ ban Kinh tế và các chuyên gia. (Nguồn: diendankinhte.quochoi.vn)

Về dư địa chính sách, theo ông Cấn Văn Lực, dư địa “vẫn còn nhiều, trong đó, dư địa chính sách tài khoá có phần thuận lợi hơn chính sách tiền tệ”.

Ông Lực đề xuất gói chính sách tài khoá có quy mô 389.200 tỉ đồng (giá trị tuyệt đối), chiếm 4,79% GDP năm 2021. Chính sách này tập trung vào việc giảm phí bảo hiểm xã hội, giảm thuế bảo vệ môi trường 2022, giảm thuế phí trước bạ (50%) với ô tô sản xuất trong nước (6 tháng 2022) và hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Về chính sách tiền tệ, vị chuyên gia này cho biết, cần phấn đấu giảm thêm 0,5-1% lãi suất cho vay bình quân trong năm 2022 và duy trì ổn định trong năm 2023.

Cần gói hỗ trợ kịp thời, cấp thiết, đi thẳng vào nền kinh tế

PGS. TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, cuộc khủng hoảng đến từ những nguyên nhân phi kinh tế (như đại dịch Covid-19) thậm chí còn trầm trọng hơn cả những cuộc khủng hoảng đến từ nguyên nhân kinh tế.

Ông Tuấn đã chỉ ra một số vấn đề đang đặt ra với nền kinh tế: tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp; phục hồi sản xuất và khắc phục đứt gãy của chuỗi cung ứng, phục hồi tăng trưởng vẫn đang gặp khó khăn, các hỗ trợ còn nhỏ; doanh nghiệp vẫn đang hết sức khó khăn; lạm phát rình rập quay trở lại; Covid-19 làm suy giảm các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng (ICOR, TFP, năng suất lao động…); chất lượng tăng trưởng ở khía cạnh hiệu quả trong sử dụng tài nguyên và đầu vào còn yếu…

PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. (Nguồn: diendankinhte.quochoi.vn)

“Cần phải có một gói hỗ trợ đủ quy mô, đủ tính nhanh nhạy, kịp thời, cấp thiết để đi thẳng vào nền kinh tế”, ông Tuấn cho hay.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, chúng ta đã có những chính sách về chuyển đổi số, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhưng "mới dừng lại ở chủ trương, chính sách;" cần phải có sự quyết liệt hơn về củng cố nền tảng tăng trưởng, đặc biệt nguồn lực như đầu tư cho khoa học công nghệ; đổi mới sáng tạo; giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực lao động có kỹ năng, đặc biệt thu hút tài năng, tinh hoa...

Đề xuất các giải pháp phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế, PGS. TS Bùi Quang Tuấn cho rằng, chính sách tiền tệ phải giảm mặt bằng lãi suất, chính sách tài khóa tập trung chi tiêu cho các mục tiêu về y tế; nhà ở xã hội; chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; giãn, hoãn thuế phí; đẩy mạnh đầu tư công; ưu tiên các dự án có thể hấp thụ vốn…; đặc biệt, cần tăng cường và đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

"Đây là cơ hội vàng nên phải tăng cường đầu tư bằng vật chất, nguồn lực; cải thiện và hoàn thiện về thể chế, trong đó có thí điểm về thể chế đổi mới sáng tạo cho các nhà khoa học nghiên cứu. Chúng ta cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài, nâng cao kỹ năng số để có các giải pháp, chính sách tạo ra Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đã đến giai đoạn phải thay đổi, bắt buộc thay đổi, thay đổi nhanh mới thích ứng được trong thời gian tới," Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam. (Nguồn: diendankinhte.quochoi.vn)

Chia sẻ kinh nghiệm từ quốc tế, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho biết, quy mô của các biện pháp hỗ trợ tài khóa ở các nền kinh tế phát triển, có thể áp dụng được ở các quốc gia khác, bao gồm Việt Nam. Quan trọng hơn, các hỗ trợ về chính sách cần phải dựa trên diễn biến của dịch bệnh cũng như tiến trình phát triển kinh tế của từng nước. Các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội cần phải đi kèm với sự hỗ trợ chính sách ở các ngành nghề cần thiết.

"Các biện pháp hỗ trợ tạm thời nhưng kịp thời cần phải được cung cấp cho các hộ gia đình hay các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi chúng ta dần hướng tới việc mở cửa trở lại. Việt Nam phụ thuộc ít hơn rất nhiều về chuyển tiền mặt cũng như một số nguồn thu so với các quốc gia khác. Những vấn đề này không ảnh hưởng quá nhiều đến Việt Nam trong trung hay dài hạn, ngay cả khi cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn", ông Francois Painchaud chia sẻ.

Theo Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam, dù chịu ảnh hưởng đáng kể từ dịch bệnh Covid-19, những khát vọng của Việt Nam vẫn có thể đạt được nhưng đòi hỏi những cải cách quyết liệt hơn.

"Chúng ta cần phải có các biện pháp hỗ trợ thanh khoản tạm thời kịp thời, đúng đối tượng, giúp cho các doanh nghiệp có thể tránh được gián đoạn cũng như ảnh hưởng về lâu dài; có các gói kích cầu, kích thích không gian tài khóa dồi dào; tăng chi tiêu cho y tế, điều trị, tiêm chủng và trợ cấp; cân nhắc chuyển lỗ hoặc chuyển lỗ ngược; tăng cường đầu tư công; hỗ trợ đầu tư tư nhân; cải thiện khả năng chống chịu; cải cách cơ cấu quyết liệt; duy trì ổn định vĩ mô…”, ông Francois Painchaud khuyến nghị.

"Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 là cơ hội để Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các đối tác phát triển của Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, nhân dân, cử tri và cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước hiến kế các giải pháp tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững; những chính sách cụ thể về huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực thuộc chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với quy mô, liệu lượng hợp lý nhất cũng như sự phối hợp giữa các chính sách này để duy trì tăng cường các động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa đáp ứng mục tiêu dài hạn của phát triển bền vững hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ