📞

Nền văn minh phương Tây cũng có nguy cơ sụp đổ?

11:10 | 25/04/2017
Văn minh phương Tây đang phải đối diện với nhiều vấn đề nội tại mang tính tiêu cực, và cách mà các quốc gia phương Tây cùng chung tay khắc phục sẽ quyết định tương lai của toàn thế giới.

Nhà kinh tế chính trị học Mỹ Benjamin Friedman có lần đã so sánh xã hội phương Tây hiện đại giống như chiếc xe đạp, khi xe chạy ổn định bánh xe sẽ luôn quay tròn đều đều dựa trên sự tác động của tăng trưởng kinh tế. Nếu xe đi chậm hay dừng hẳn cũng sẽ khiến cho xã hội, trong đó bao gồm tất cả những giá trị như dân chủ, tự do cá nhân, tính bền vững…, trở nên bất ổn.

Ông cho rằng, thế giới của chúng ta sẽ ngày càng trở nên xấu xí, ảm đạm khi nguồn tài nguyên càng ngày càng cạn kiệt, con người càng ngày càng xa cách nhau. Và nếu không thể đưa bánh xe quay trở lại với quỹ đạo vốn có của nó, xã hội chúng ta sẽ hoàn toàn sụp đổ.

Một số nền văn minh trong lịch sử nhân loại đã suy tàn và biến mất. (Nguồn: BBC)

Safa Motesharrei, một nhà khoa học tại trường Đại học Maryland (Mỹ), đã sử dụng các mô hình máy tính tiên tiến để tìm hiểu rõ hơn về các cơ chế có thể dẫn đến hệ quả sụp đổ hoặc bền vững toàn cầu.

Các yếu tố chính

Theo kết quả nghiên cứu của Motesharrei và các cộng sự, có hai yếu tố chính mang tầm ảnh hưởng quyết định đến sự tồn vong của một nền văn minh, đó là sự bóp nghẹt sinh thái và khoảng cách về kinh tế.

Người ta dễ dàng nhận thức được nhiều hơn về vấn đề sinh thái và coi đó là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ, đặc biệt là liên quan đến tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ví dụ như nước ngầm, đất, tài nguyên ngư nghiệp và tài nguyên lâm nghiệp. Biến đổi khí hậu thậm chí còn làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết.

Yếu tố khoảng cách về kinh tế là một nguyên do nữa, thậm chí hậu quả của nó còn gây sốc cho cả Motesharrei và các cộng sự của ông. Theo đó, những người giàu sẽ có xu hướng đẩy xã hội đến ranh giới của sự bất ổn, cuối cùng là sụp đổ, bằng cách nắm giữ khối lượng khổng lồ của cải và tài nguyên, còn những người bình dân mặc dù chiếm số lượng đông đảo và mang lại sức lao động cho những người giàu lại bị đẩy vào tình trạng "trắng tay".

Các số liệu thống kê cho thấy, những người giàu có nhất (chiếm khoảng 10% dân số toàn cầu) đang phát ra lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính bằng cả 90% dân số còn lại cộng lại. Hay như có đến một nửa dân số toàn cầu đang sống dựa vào mức thu nhập chỉ dưới 3 USD/ngày.

Ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đe dọa đến sự tồn vong của các nền văn minh. (Nguồn: Yale News)

Jorgen Randers, nhà nghiên cứu môi trường và khí hậu Na Uy cho rằng: “Thế giới sẽ không chuyển biến theo cách tìm giải pháp khắc phục các vấn đề liên quan đến khí hậu ngay trong thế kỷ này, đơn giản là bởi làm như thế, trước mắt sẽ gây tốn kém hơn rất nhiều so với việc kệ mọi thứ cứ như hiện nay. Vậy là các vấn đề về khí hậu sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, chúng ta cũng không thể tồn tại nếu như không theo đúng những gì đã cam kết trong Hiệp định Pari về biến đổi khí hậu".

Không thể ngồi yên

Mặt khác, theo các chuyên gia, xã hội phương Tây sẽ khó có thể chấm dứt được nạn bạo lực, đi cùng với vấn nạn khủng bố và người nhập cư. Các nền văn minh có xu hướng bị tha hóa dần, chỉ còn mang tính lịch sử. Đế chế Anh đã rơi vào tình cảnh sa sút từ năm 1918, và kể từ đó, các quốc gia phương Tây khác cũng lần lượt đi theo vết xe đổ này. Hiện tại, có chuyên gia cho rằng "Các quốc gia phương Tây mặc dù sẽ không sụp đổ, nhưng họ sẽ trở nên tầm thường, dần mất đi giá trị, thiếu sự trơn tru trong vận hành và cũng không còn sự thân thiện như trước đây, và sự mất cân bằng sẽ bùng phát như chưa từng xảy ra".

Hầu hết các quan điểm dự đoán về tương lai của phương Tây đều cho thấy có sự trùng lặp đến ngạc nhiên. Cũng dễ hiểu thôi, bởi thực tế đang diễn ra theo đúng như những gì đã và đang được dự báo.

Nạn khủng bố luôn là một sự đe dọa đối với cuộc sống văn minh. (Nguồn: Capitalism Magazine)

Tuy nhiên, theo ông Motesharrei "nếu chúng ta giải quyết được những vấn đề như tình trạng bất bình đẳng, kìm hãm sự tăng trưởng dân số, giảm thiểu khai thác tài nguyên, hạn chế ô nhiễm môi trường…, chắc chắn chúng ta sẽ thoát khỏi nguy cơ sụp đổ đồng thời đảm bảo cho tính bền vững lan rộng khắp toàn cầu trong tương lai. Tất nhiên, chúng ta không thể dành cả đời chỉ để ngồi chờ đợi những động thái đó xảy ra mà phải tự mình vận động tìm giải pháp."

Nhà nghiên cứu Thomas Homer-Dixon, lãnh đạo trường Quốc tế Balsillie ở Waterloo, Canada cho biết, ông hy vọng sự việc sẽ không xảy ra đến mức tồi tệ.

Nền văn minh phương Tây không hẳn là không thể cứu vãn – ông nói. “Lối sống lành mạnh, ứng dụng tiến bộ khoa học trong cuộc sống, cộng thêm sự sáng suốt của tầng lớp lãnh đạo, thiện chí trong hành động, chắc chắn xã hội loài người sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn” - ông Homer-Dixon khẳng định.

 

(theo BBC Future)