📞

Nẻo đường trả lại tên cho đồng đội

09:26 | 27/07/2017
“Hiện tại, vẫn còn khoảng 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, khoảng 300.000 mộ liệt sĩ chưa biết tên, cháu ạ”.

Đại tá Nguyễn Hùng Phong, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Chính trị - Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng, nghẹn ngào nói với tôi như vậy. Để rồi, những con số ấy vẫn luôn ám ảnh ông từng ngày, từng ngày một…

Đại tá Nguyễn Hùng Phong (bên trái), Phó Chủ tịch Trung ương Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Nỗi day dứt của người sống

Câu chuyện với người Đại tá già bắt đầu vào ngày đơn vị của ông trong một trận đánh bị trúng pháo của địch khiến 27 chiến sĩ hy sinh. Phần lớn đồng đội của ông nằm xuống không còn nguyên vẹn. Ông xúc động: “Xót lắm, thương lắm cháu ạ. Chúng tôi nén đau, lặng lẽ đi gom từng phần thân thể của anh em. Đau đớn nhất là không thể phân biệt được hình hài của những người vừa ngã xuống”.

Kể đến đây, giọng người Đại tá nghẹn lại, hai hàng nước mắt ứa ra. Tĩnh lặng đôi chút, ông tiếp lời: “Cháu biết không, khi ấy, những người lính dường như không thể khóc được nữa. Chúng tôi đành chia các mảnh thân thể thành 27 phần để chôn cất. Anh em cùng chung chiến hào, vừa mới ngồi với nhau,  giờ đau đớn, lặng lẽ gói thi thể đồng đội”.

Ông Phong tâm sự, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh lắm, sau mỗi trận đánh, số lượng đồng đội lại vơi dần. Trong hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc, ác liệt, khi chôn cất anh em cũng phải thực hiện nhanh chóng, giản đơn. Thường các ông chỉ quấn vội đồng đội trong chiếc chăn, chiếc võng để rồi gửi vào lòng đất. Ở nơi có tre nứa, cây xanh, những người lính dùng cây lót xuống dưới để các bạn “ấm” hơn. Ông bảo: “Thực ra làm thế chỉ là liệu pháp tâm lý thôi, cốt để có cảm giác các bạn mình được nằm yên. Nếu có ít lá cây phủ lên mặt đồng đội, khi lấp đất vào cũng yên tâm hơn, tức là đất không chạm thẳng vào mặt anh em”.

Bất chợt nhìn xa xăm, ông Phong thoáng buồn. Ông cũng có anh trai là liệt sĩ đã ngã xuống ở chiến trường Tây Nguyên (năm 1967). Bao nhiêu năm gia đình tìm kiếm hài cốt nhưng chưa thấy, cuối cùng ông quyết định lấy đất ở vùng đó về để thờ anh.

Cũng là người lính, cũng có người thân là liệt sĩ, từng tự tay vội vã chôn cất đồng đội, ông Phong thấu hiểu những mất mát, hy sinh của những người lính đã nằm xuống. Ông cũng thấm thía nỗi đau, niềm khắc khoải của những người mẹ, người vợ mòn mỏi đợi con, đợi chồng về để hương khói.

Vì thế, Đại tá Phong luôn đau đáu với ý nguyện đưa những đồng đội đã ngã xuống về với người thân, gia đình. Bởi với ông, thêm một liệt sĩ được đưa về quê hương là phần nào xoa dịu những mất mát của thân nhân, cũng là để những người sống đỡ day dứt. Mong mỏi đó đã thôi thúc ông quyết định “nhập cuộc”, miệt mài với hoạt động tình nguyện đi tìm mộ liệt sĩ.

Khai quật mộ liệt sĩ. (Ảnh: NVCC)

Tìm được con rồi!

Nhiều người gọi công việc của các ông tại Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ là “khai sinh cho người đã khuất”, nhưng Đại tá Phong lắc đầu. “Tôi cảm thấy gọi như thế to tát quá. Anh trai tôi, bao đồng đội của tôi đã hy sinh. Vì thế, tôi tham gia là để tìm kiếm những hài cốt còn đang thất lạc đâu đó trong lòng đất. Chúng tôi tìm mọi biện pháp để xác định danh tính, trả lại tên cho những hài cốt đã được quy tập vào các nghĩa trang chứ không phải khai sinh cho người đã khuất”, ông Phong quan niệm.

Với người Đại tá ấy, mỗi ngày trôi qua thật ý nghĩa bởi ông và những cộng sự của mình đã và đang từng ngày góp công, góp sức tìm các anh. Bất cứ khi nào có tín hiệu, thông tin của gia đình hay trên báo đài, các ông đều lượm lặt về. Dù mỏng manh, ít ỏi nhưng đó là tia hy vọng về nơi chôn cất liệt sĩ ngày xưa mà như ông Phong nói, thông tin ấy quý lắm! Cứ như vậy, các ông khai thác và khớp nối với nhau, khi có đầy đủ thông tin mới quy tập. Những chuyến đi nhiều khi vào ngày nắng như thiêu như đốt, có khi lại vào ngày mưa gió, đường xá lầy lội, nhưng với những cựu chiến binh ấy, tất cả chỉ là… chuyện nhỏ.

Ông Phong tâm sự, chiến tranh đã qua lâu, giờ đây, địa hình cùng với các yếu tố thời tiết, thổ nhưỡng thay đổi nhiều. Nửa thế kỷ trôi qua, bao bản đồ, sơ đồ chôn cất những người lính đã anh dũng hy sinh ngày xưa bây giờ dẫu còn, quay về cũng khó tìm được nơi các anh đang nằm. Lại có những ngôi mộ nằm ở bìa rừng, ngọn dốc rất hiểm trở. Vì thế, việc tìm được một bộ hài cốt và xác định danh tính liệt sĩ là rất công phu, tỉ mỉ. “Nhưng khó mấy chúng tôi cũng làm. Bởi còn sống trở về, có cơ hội được đi tìm anh em, đồng đội đã là một điều may mắn. Chưa khi nào tôi thôi trăn trở về những người lính đã hy sinh cho độc lập của Tổ quốc hôm nay. Họ nằm xuống lòng đất khi tuổi đời còn rất trẻ, mới chỉ mười tám, đôi mươi…”, Đại tá Phong day dứt.

Trong những chuyến đi tìm đồng đội, ông Phong kể về trường hợp được một đơn vị cung cấp thông tin, các ông tức tốc lên đường và đưa 20 mộ thuộc Sư đoàn 304, Trung đoàn 24 chiến đấu bên Lào quy tập ở Nghĩa trang Đường 9. Rồi thì sau khi tra danh sách của Sư đoàn 304 hy sinh đúng ngày, tháng để ra số gia đình, các ông lại lặn lội tìm đến thân nhân liệt sĩ...

Đang kể, ông chợt dừng lại: “Tìm người thân của các anh  cũng nan giải lắm, có thể họ đã mất hoặc di cư đến các vùng kinh tế mới, có khi ra nước ngoài”. Trong số 20 mộ ấy, hiện tại các ông mới tìm được 15 gia đình. Sau đó, các mẫu hài cốt và mẫu đối chứng được đưa đi giám định. Mới trả được kết quả giám định chính xác cho bốn gia đình, ông Phong trăn trở: “Khi chưa tìm ra được thân nhân của các liệt sĩ, chúng tôi đều không yên lòng”.

Mỗi gia đình tìm được mộ liệt sĩ, với ông cứ như nhà mình tìm được. Ông chậm rãi kể về câu chuyện khiến ông nhớ mãi trong một lần Hội giám định được gene cho liệt sĩ con cụ Trần Thị Nguyệt (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Khi báo cho gia đình ra Hà Nội nhận kết quả, con trai cụ bảo: “Anh ơi, nghe tin mẹ em xúc động lắm. Nhưng mấy hôm nay bà yếu quá...”. Cuối cùng, vị Đại tá quyết định đi thẳng vào Hà Tĩnh.

Giây phút người mẹ già yếu ôm khung quyết định công nhận huyết thống và lặng lẽ khóc khiến ông không cầm được nước mắt. Sau đó vài hôm, cụ Nguyệt mất. Người lính già tự nhủ: “Dẫu sao cụ cũng ra đi thanh thản vì đã tìm được con rồi”.

Ông lại kể, có những gia đình  cả ba thế hệ cùng về Hà Nội để nhận kết quả giám định gene. Ông bảo bố, bố bảo con cùng đi đón “bác”, đón “ông trẻ” về… Một trong những khoảnh khắc đọng lại mà Đại tá Phong sẽ nhớ mãi là giây phút gia đình cố Bộ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Tấn Trịnh tìm được em trai. Khi ấy, Bộ trưởng xúc động: “Tưởng không tìm được em. Qua giám định, nay đã thấy em rồi”.

Hội Hỗ trợ các gia đình liệt sĩ đến thăm và trao quà cho ­­gia đình ông Ngô Đức Hùng (Đại Từ, Thái Nguyên) có con trai là liệt sĩ. (Ảnh: NVCC)

Trách nhiệm tri ân

Đến nay, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ đã trao 29 đợt kết quả giám định gene đúng cho hơn 500 liệt sĩ. Mười một năm ở chiến trường, trải qua bao trận mạc nhưng mỗi khi đưa đồng đội về quê hương, nhắc đến sự hy sinh của các anh, người lính già Nguyễn Hùng Phong vẫn không khỏi bùi ngùi.

Ở tuổi ngoài 70, ông vẫn rong ruổi trên các cuộc hành trình tìm những phần mộ liệt sĩ còn ẩn khuất nơi rừng sâu núi thẳm. Trong những chuyến đi ấy, có lúc ông ngủ tạm ở nhà đồng đội dọc đường, khi lại ở nhà xã đội, nhà dân. Có những hôm không có giường, không đủ mùng màn, chỉ ăn cơm với canh mướp, cá kho hay “cơm bụi”, nhưng suốt câu chuyện với tôi, chưa khi nào ông Phong nhắc đến hai chữ vất vả.

 “Là đồng đội, là nhân chứng của chiến tranh, bao nhiêu cái đau đã đau trong người rồi. Bây giờ còn sức khỏe, còn ngày nào làm được, tôi vẫn sẵn sàng vì đồng đội, vì người thân của mình. Nhưng khi lớp thế hệ chúng tôi không còn, liệu hàng trăm nghìn liệt sĩ có tìm được đủ tên?”. Bật ra câu hỏi ấy, gương mặt ông phảng phất một nỗi niềm và cả sự hy vọng. Ông băn khoăn, làm sao để 365 ngày trong năm đều là ngày tri ân chứ không chỉ đền ơn đáp nghĩa trong ngày 27/7 hay 30/4?      

- Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam thành lập năm 2010.

- Hội đã thu thập, khai thác, kết nối trên 20.000 thông tin về liệt sĩ, đã chủ động phân tích và hỗ trợ tìm kiếm được khoảng gần 500 bộ hài cốt liệt sĩ.

- Hội hợp tác với các cơ sở khoa học có chức năng giám định AND tiếp nhận và hỗ trợ miễn phí việc giám định AND hài cốt liệt sĩ cho hơn 700 gia đình.

- Hội đã trực tiếp khai quật sáu đợi với hơn 120 mộ tại các nghĩa trang phía Nam, đồng thời đi các tỉnh xác minh, lấy mẫu sinh phẩm của hàng ngàn thân nhân liệt sĩ.

- Hội đã tặng 230 ngôi nhà tình nghĩa, gần 2.000 sổ tiết kiệm, hơn 11.000 suất quà cho các gia đình liệt sĩ và các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hàng trăm suất học bổng cho con liệt sĩ vượt khó học giỏi ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước.