Theo thống kê của Liên hợp quốc, Nepal đã vươn lên vị trí thứ 2 trong danh sách Quốc gia đóng góp quân đội và cảnh sát (TPCC) vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, với tổng cộng 5.571 binh sĩ, trong đó có 294 nữ binh sĩ.
Hình ảnh binh sĩ Nepal tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình trên website của Liên hợp quốc. (Nguồn: UN) |
Tính đến nay, quốc gia bé nhỏ ở Nam Á đã tham gia 61 hoạt động gìn giữ hòa bình và các nhiệm vụ chính trị đặc biệt của Liên hợp quốc.
Nước đóng góp chiếm vị trí số 1 trong danh sách TPCC là Bangladesh với 6.554 quân. Theo sau Nepal ở vị trí thứ 3 là Ấn Độ với 5.525 quân. Như vậy tốp 3 nước đều ở Nam Á.
Các nước tiếp theo có đóng góp đáng kể vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là Ethiopia, Rwanda và Pakistan.
Trước đó, theo thống kê ngày 31/12/2020, Nepal đứng ở vị trí thứ 4 với 5.681 binh sĩ, bao gồm nhân viên dự phòng, quan sát viên quân sự, sĩ quan tham mưu và bác sĩ quân đội, phục vụ trong 12 nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và chính trị đặc biệt ở 11 quốc gia.
Các nhà quan sát quân sự nhận định rằng việc Nepal đứng ở vị trí này trong tổng số 193 thành viên Liên hợp quốc là một thành công lớn.
Hiện các binh sĩ Nepal đang phục vụ các sứ mệnh hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan, Congo, Israel, Tây Sahara, Mali, Lebanon, Cộng hòa Trung Phi, Syria, Iraq và Libya.
Bên cạnh đó, Thiếu tướng Nepal Ishwar Hamal đang đảm nhiệm vai trò Trưởng Phái đoàn, Chỉ huy Lực lượng Quan sát viên của Liên hợp quốc tại Cao nguyên Golan (UNDOF).
Các binh sĩ Nepal thuộc Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi - MINUSCA. (Nguồn: UN) |
Trong phát biểu tại Hội nghị về những đóng góp của Nepal trong việc gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ngày 19/4 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Nepal Pradeep Kumar Gyawali nhấn mạnh: “Các chuẩn mực của hòa bình thế giới là một trong những nền tảng cơ bản trong chính sách đối ngoại của Nepal”.
Theo Tham mưu trưởng Lục quân (COAS) Purna Chandra Thapa, quân đội Nepal có đủ năng lực và cam kết cung cấp 10.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình cho Liên hợp quốc nếu tổ chức yêu cầu.
Nepal chính thức đóng góp vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc với tư cách là quan sát viên tại quốc gia Tây Á Lebanon vào năm 1958, 3 năm sau khi nước này gia nhập tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh. Sau gần 2 thập niên, vào năm 1974, quân đội Nepal đã cử đội quân tiên phong là tiểu đoàn Purano Gorakh tham gia gìn giữ hòa bình ở Ai Cập.
Kể từ năm 1958, khoảng 135.000 binh sĩ Nepal đã phục vụ trong các Phái bộ Liên hợp quốc. Tính đến ngày 30/6/2021, 84 binh sĩ Nepal đã hy sinh trong khi thực hiện các sứ mệnh của Liên hợp quốc.
Quân đội Nepal được đánh giá cao trong việc duy trì hòa bình ở một số điểm nóng xung đột thế giới. Lực lượng gìn giữ hòa bình Nepal đã nhận được nhiều huân chương vì những đóng góp của mình.
Sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc bắt đầu từ tháng 5/1948 để giám sát Hiệp định đình chiến khi đó giữa Israel và các nước láng giềng Arab. Hiện có 70.000 lính gìn giữ hòa bình trên toàn thế giới, thường được gọi là lực lượng “mũ nồi xanh”. Sau hơn 70 năm, hiện sứ mệnh này không chỉ cần sự tham gia của quân nhân, cảnh sát, mà còn của cả các chuyên gia dân sự thuộc nhiều lĩnh vực như pháp quyền, công lý, nhân quyền, trao quyền cho phụ nữ và tái thiết kinh tế để thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển. |