📞

Nếu không phải là Italy, Ấn Độ có thể đóng vai trò trung gian đàm phán Nga-Ukraine?

Vy Vy 08:32 | 07/01/2023
Duy trì quan hệ với cả Nga và Ukraine là một lợi thế khiến Ấn Độ có thể thúc đẩy vai trò trung gian hòa đàm của cuộc xung đột.
Xung đột Nga-Ukraine đã bước sang tháng thứ 11 song chưa có dấu hiệu sẽ sớm khép lại dù hai bên đều tuyên bố sẵn sàng hòa đàm. (Nguồn: Reuters)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 6/1 bày tỏ tin tưởng các quốc gia như Ấn Độ, vốn duy trì quan hệ với cả Nga và Ukraine, có thể giúp hai bên tiến tới đối thoại và chấm dứt xung đột.

Tháng 11/2022, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Vinay Mohan Kwatra cho rằng, New Delhi đã đóng góp đáng kể vào nỗ lực thu hẹp bất đồng giữa các nhà lãnh đạo trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, thúc đẩy cách tiếp cận “mang tính xây dựng, hợp tác cao” và nhằm tạo nên sự đồng thuận trong hàng loạt vấn đề.

Trước đó, Italy đã "xung phong" làm trung gian hòa đàm Nga-Ukraine. Ngày 29/12, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho biết, đã trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng, Italy sẵn sàng là bên đảm bảo cho một thỏa thuận hòa bình giữa Ukraine và Nga, đồng thời hỗ trợ quá trình này.

Tuy nhiên, Nga đã từ chối đề xuất này, khi cho rằng, Italy là một trong những quốc gia đang "bơm" vũ khí cho Ukraine khiến xung đột kéo dài.

Thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên như một trung gian hòa giải có thể giúp Nga và Ukraine tiến gần hơn tới bàn đàm phán. Tuy nhiên, quá trình này chưa có nhiều tiến triển.

Xung đột Nga-Ukraine đã bước sang tháng thứ 11 song chưa có dấu hiệu sẽ sớm khép lại dù hai bên đều tuyên bố sẵn sàng hòa đàm.

Moscow nêu rõ, xung đột có thể chấm dứt ngay lập tức với điều kiện Kiev phải đáp ứng các điều kiện của Nga. Chính quyền của Tổng thống Zelensky cũng đưa ra "công thức hòa bình" gồm 10 điểm, trong đó có yêu cầu Nga phải rút hết quân, Ukraine khôi phục toàn bộ lãnh thổ. Nga coi những đề xuất đó là "phi thực tế" và khẳng định, đàm phán chỉ diễn ra khi Kiev chấp nhận "thực tế mới" về lãnh thổ.

(theo Sputnik)