📞

Nếu Nga và Ukraine 'buông tay' thỏa thuận quá cảnh khí đốt, châu Âu sẽ chìm trong nỗi lo

Linh Chi 14:23 | 11/09/2024
Sở hữu hơn 22.000 km đường ống dẫn khí đốt tự nhiên, Ukraine đã là một nhân tố chủ chốt trên thị trường năng lượng của châu Âu trong nhiều thập niên. Nhưng đến cuối năm nay, dòng chảy khí đốt từ Nga qua Ukraine đến châu Âu có thể bị gián đoạn.
Một phần của đường ống dẫn khí đốt Urengoy-Pomary-Uzhgorod, ở Ukraine. Đường ống này sẽ vận chuyển khí đốt từ phía Tây Siberia qua Sudzha ở vùng Kursk của Nga, sau đó, chảy qua Ukraine theo hướng Slovakia. (Nguồn: Vincent Mundy/Bloomberg)

Trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, tháng 12/2019, Moscow và Kiev đã đồng ý về một thỏa thuận kéo dài 5 năm về việc vận chuyển khí đốt. Theo thỏa thuận, sẽ có 45 tỷ m3 khí đốt Nga chảy qua Ukraine vào năm 2020 và 40 tỷ m3/năm vào thời điểm từ năm 2021-2024.

Cuối năm nay, thỏa thuận nói trên sẽ kết thúc. Thỏa thuận này được cho rằng khó có thể gia hạn tiếp và điều đó sẽ ngăn chặn dòng chảy khí đốt Nga tới châu Âu - trực tiếp" tấn công" thị trường khu vực vào thời điểm quan trọng - mùa cần sưởi ấm.

Ukraine thiệt hại nặng nhất?

Ông Margarita Balmaceda, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Seton Hall (Mỹ) nhận định: "Việc kết thúc thỏa thuận quá cảnh khí đốt qua Ukraine là dấu hiệu cho sự kết thúc của một kỷ nguyên đang âm ỉ. Đối với thị trường năng lượng châu Âu, động thái này sẽ làm tình hình trở nên rối ren hơn. Trong khi đó, đất nước của Tổng thống Putin sẽ mất một trong hai tuyến đường ống vận chuyển khí đốt còn lại đến châu Âu".

Về phía Ukraine, nền kinh tế có thể bị thiệt hại nhiều nhất. Theo ông Margarita Balmaceda, Kiev có thể mất nguồn tiền để duy trì cơ sở hạ tầng năng lượng và vị thế là kênh dẫn năng lượng với giá cả phải chăng cho các đồng minh phương Tây.

Trong hơn 5 thập niên, dòng chảy khí đốt là một đặc điểm chính liên kết Nga, Ukraine và châu Âu. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, quá cảnh khí đốt qua đường ống đã trở thành một phần quan trọng trong quan hệ Nga-Ukraine.

Thỏa thuận quá cảnh hiện tại là thỏa thuận thương mại duy nhất còn lại giữa hai nước.

Giới chuyên gia đánh giá, dòng khí đốt Nga qua tuyến đường này hiện chiếm chưa đến 5% nguồn cung của châu Âu, nhưng vẫn đủ để tác động đến an ninh năng lượng khu vực.

Về mặt tài chính, theo ước tính của ông Mykhailo Svyshcho, nhà phân tích của ExPro Consulting có trụ sở tại Kiev, nước này có nguy cơ mất tới 800 triệu USD/năm.

Một trạm nén khí đốt gần Uzhhorod, Ukraine. (Nguồn: Reuters)

Giải pháp của châu Âu

Với châu Âu, hầu hết khách hàng mua khí đốt quá cảnh qua Ukraine đã tìm được giải pháp thay thế. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã hạ thấp triển vọng về một thỏa thuận mới do quan hệ ngoại giao đã bị cắt đứt vì chiến dịch quân sự đặc biệt.

Đơn cử như: Đức, đất nước đã tăng cường cung cấp khí đốt qua đường ống từ Na Uy và xây dựng các cơ sở để nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ khắp nơi trên thế giới. Hiện tại, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã độc lập với việc nhập khẩu khí đốt thông qua đường ống của Ukraine.

Tuy nhiên, cánh cửa vẫn chưa hoàn toàn đóng lại.

Với ngành sản xuất của Đức đang chịu áp lực, một số Đảng đối lập và lãnh đạo doanh nghiệp kêu gọi chính phủ quay trở lại với việc nhận khí đốt từ Nga. Tuyến đường qua Ukraine sẽ khả thi nhất, sau khi đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) bị phá hoại vào tháng 9/2022.

Áo và Slovakia - hai quốc gia tiếp nhận chính khí đốt qua Ukraine - cho biết, họ đã sẵn sàng "buông tay" nguồn khí đốt này.

Nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Slovakia là SPP thông tin, đất nước đang trong tình thế thoải mái trước mùa Đông khi có thể nhận khí đốt từ Algeria và các nguồn khác. Và Áo cũng đã có sự chuẩn bị.

Trong khi đó, Hungary đã nhận khí đốt của Nga từ một tuyến đường thay thế - đường ống TurkStream.

Vẫn có nỗi lo trong mùa Đông tới

Còn với Moscow, vẫn có các tuyến đường khác để bán khí đốt, bao gồm các đường ống qua Thổ Nhĩ Kỳ, mở rộng liên kết với Trung Quốc và xuất khẩu LNG.

Tuy vậy, theo tính toán của hãng tin Bloomberg, nếu thỏa thuận với Ukraine kết thúc, Nga có thể thiệt hại 6,5 tỷ USD/năm theo giá hiện tại. Đây là động lực mạnh mẽ để Điện Kremlin đàm phán gia hạn thỏa thuận.

Tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng, ông sẵn sàng tiếp tục vận chuyển khí đốt qua Ukraine sau năm 2024.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy thì khác. Ông tuyên bố không gia hạn thỏa thuận này để cắt đứt dòng tiền chảy vào Điện Kremlin.

Phía Ukraine đã tổ chức các cuộc đàm phán trung chuyển với Azerbaijan, quốc gia hiện đang cung cấp khí đốt cho 8 nước ở châu Âu.

Dù vậy, ông Anne-Sophie Corbeau, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu tại Đại học Columbia (Mỹ), thực tế là sản lượng khí đốt của Azerbaijan không đủ để thay thế hoàn toàn trong ngắn hạn và bất kỳ thỏa thuận thay thế nào cũng có thể bao gồm khí đốt của Nga. Nga có thể bán khí đốt cho Azerbaijan, sau đó, tái xuất khẩu sang châu Âu.

Ngoài ra, các thỏa thuận với Kazakhstan và các nhà cung cấp khác ở Trung Á cũng có thể là một lựa chọn. Tuy nhiên, còn rất ít thời gian để tiến hành đàm phán.

Hãng tin Bloomberg nhấn mạnh rằng, dù thế nào, việc mất tuyến đường qua Ukraine gần như chắc chắn có nguy cơ gây ra sự biến động trên thị trường châu Âu.

"Vẫn có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt năng lượng trong mùa sưởi ấm tới", ông Frank van Doorn, Giám đốc giao dịch tại Vattenfall Energy Trading GmbH nhấn mạnh.

(theo Bloomberg)