Ở Việt Nam, ve sầu báo hiệu mùa Hè đến bằng những tiếng kêu râm ran. (Nguồn: Getty Images) |
Báo cáo khoa học đăng trên tạp chí Nature Communications đề cập siêu họ ve sầu Cicadidae - bao gồm loài ve Cicadidae phổ biến rộng rãi trên toàn cầu, thường được gọi là "ve sầu biết hát" và loài ve Tettigarctidae chỉ còn sinh tồn tại Australia.
Ve sầu Cicadidae trước đây có thể tạo ra âm thanh lớn nhất trong số các loài côn trùng (đạt gần 120 decibel) bằng cách rung một màng gọi là tymbal trong bụng của chúng.
Các nhà khoa học quốc tế đã nghiên cứu 11 mảnh hóa thạch của Cicadoidea có niên đại 100 triệu năm phát hiện tại Myanmar và so sánh chúng với các hóa thạch khác của ve sầu, cũng như các loài ve sầu còn tồn tại.
Theo ông Jiang Hui - tác giả chính của báo cáo, đồng thời là nhà nghiên cứu thuộc Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh (Viện Khoa học Trung Quốc), các nhà khoa học đã xác định được màng tymbal trong các hóa thạch ve sầu này, nhưng phần lớn những con ve đều thiếu hệ thống thính giác và khả năng sản xuất âm thanh phức tạp.
Ông Jiang cho biết: “Điều này cho thấy hầu hết ve sầu từ 100 triệu năm trước có thể đã dựa vào các phương tiện giao tiếp nguyên thủy hơn – để truyền rung động cơ thể qua các chất nền như thân cây – thay vì khuếch đại âm thanh qua rung động ở bụng và truyền chúng qua không khí".
Nói cách khác, 'tổ tiên' của ve sầu vào trăm triệu năm trước "có thể đã không kêu như ve sầu ngày nay”.
Nghiên cứu nói trên cũng cho thấy, những con ve sầu thời cổ đại đã có chi trước mạnh mẽ, giống như ve sầu hiện nay. Điều này chứng tỏ chúng từ lâu đã có khả năng tốt trong việc đào bới, sống lâu dài dưới lòng đất và kiếm rễ cây để ăn.