📞

Nếu Putin trở lại!

10:19 | 26/10/2011
Trong 5 năm tới viễn cảnh chuyển đổi nền kinh tế, vốn đang là một giấc mơ xa vời đối với nước Nga sẽ trở thành hiện thực? Nước Nga sẽ trở thành một trong 5 nền kinh tế hàng đầu của thế giới với mức tăng trưởng lên tới 7%, do có một khu vực doanh nghiệp năng động và phát triển mạnh như Thủ tướng Nga Vladimir Putin đầy quyền lực đã hứa trong “chương trình hành động về kinh tế" nếu ông trở lại điện Kremlin.
Trong những năm đầu thế kỷ 21, xuất khẩu dầu chiếm 1/3 ngân sách của Nga, nhưng hiện chiếm tới 1/2. Ảnh minh họa

Tự tin

Mặc dù đến tháng 3/2012 mới diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống, nhưng dư luận gần như chắc chắn Putin sẽ trở lại vị trí Tổng thống của nước Nga trong một nhiệm kỳ thứ ba. Tự tin với những kế hoạch cải cách, ông Putin khẳng định, "để phòng chống được mọi chấn động thì chúng ta phải mạnh lên" đó là cách tồn tại và phát triển được trong thế giới đầy rủi ro, thách thức hiện nay.

Kinh tế Nga hiện tăng trưởng khoảng 4%, trong khi các nước phát triển tăng trưởng khoảng 1 - 2% mỗi năm, nhưng ông Putin cảnh báo: "Chúng ta không được nhầm lẫn ở đây, bởi vì xét theo giá trị tuyệt đối thì 2% kia còn lớn hơn 4% của chúng ta". Ông Putin khẳng định: "Nếu cứ tiếp tục phát triển với tốc độ như hiện nay thì không thể tăng cường được vị thế của mình, không thể bảo đảm được chất lượng cuộc sống cao cho người dân Nga".

Bởi thế, sắp tới tất cả những dự luật liên quan đến việc cải thiện môi trường kinh doanh đều sẽ được thảo luận, bàn bạc với giới doanh nhân để loại trừ những rào cản, những trở ngại có thể có. Ông tuyên bố, Nhà nước sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm những luật lệ công bằng về cạnh tranh, bảo đảm sự ổn định và sự rõ ràng, nhất quán của chính sách kinh tế. Về công nghệ, "Nước Nga sẽ phải có những quy chuẩn công nghệ tiên tiến nhất và phải làm cho con đường đi từ dự án đến việc khánh thành một công trình mới, khai trương một nhà máy, xí nghiệp, công xưởng mới được rút ngắn nhất".

Ông Putin tuyên bố, "thuế đối với những người khá giả, giàu có sẽ phải cao hơn so với phần đông dân cư". Đồng thời, "hệ thống thuế phải phục vụ hiện đại hoá kinh tế và đồng thời cũng phải thể hiện được nguyên tắc công bằng". Có những sắc thuế áp dụng với những doanh nghiệp khai thác tài nguyên thiên nhiên, đem bán nguyên liệu; những sắc thuế thấp hơn, thì áp vào những đơn vị sáng tạo công nghệ, sản xuất hàng hoá, xây dựng những xí nghiệp mới, thành lập doanh nghiệp mới...".

và Thận trọng...

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế đã bày tỏ nghi ngờ về mong muốn cải cách của ông Putin, các động thái khuyến khích giới doanh nghiệp và nhất là việc chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Bởi lâu nay những thành tựu kinh tế Nga đạt được chủ yếu là nhờ giá dầu thô tăng cao, chứ không phải là thành quả của sự thay đổi kinh tế.

Trong 12 năm qua, sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ của Nga đã tăng lên đáng kể và điều này làm cho tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế Nga biến động theo thị trường dầu mỏ thế giới. Trong những năm đầu thế kỷ 21, xuất khẩu dầu chiếm 1/3 ngân sách của Nga, nhưng hiện chiếm tới 1/2. Ở mức đó, ngân sách của Nga chỉ có thể cân bằng nếu giá dầu tăng lên mức trên 125 USD/thùng. Đồng rúp cũng đã ở mức thấp nhất so với USD trong vòng 2 năm và thị trường chứng khoán của Nga đã giảm 20% trong năm nay.

Nếu cứ tiếp tục con đường hiện nay, Nga sẽ trở thành một quốc gia dầu mỏ với đầy rẫy các vấn đề như khoảng cách thu nhập lớn, sự phát triển về khoa học và công nghệ giảm... Như chính đương kim Tổng thống Medvedev đã thừa nhận khoảng 1.000 tỷ rúp (30 tỷ USD) đã bị lấy cắp khỏi ngân sách mỗi năm.

Năm 2011, nền kinh tế của Nga có vẻ tương đối ổn định. Đặc biệt, mức thâm hụt ngân sách được dự đoán chỉ chiếm 1% GDP trong năm 2011. Đây thực sự là điều khiến các nước châu Âu vốn đang lao đao vì nợ, phải ghen tị. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không ngừng dự báo về các rủi ro có thể gây nhiều rắc rối nghiêm trọng cho Nga, chẳng hạn năng suất lao động thường xuyên ở mức thấp, tình trạng thiếu hoạt động kinh doanh ngoài lĩnh vực năng lượng, các khoản trợ cấp quá sức hay vấn nạn tham nhũng. Một vấn đề đáng lo ngại là ngay nửa đầu năm 2011, khoản tiền mà các nhà đầu tư liên tục rút khỏi Nga đã lên tới 30 tỷ USD.

Với dân số đang già đi, quỹ lương hưu của chính phủ thâm hụt lớn. Lạm phát ở mức cao nguy hiểm là 8% - chủ yếu là do Chính phủ tăng lương hưu và lương cho công chức trước các cuộc bầu cử tháng 12 và tháng 3. Mới đây, Thủ tướng Putin cũng phải thừa nhận sẽ phải thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí quyết liệt để có thể ngăn chặn thâm hụt ngân sách và lạm phát.

Tất cả các yếu tố trên đặt ra những thách thức không nhỏ phía trước ông Putin.

Minh Anh