Nhỏ Bình thường Lớn

Nếu trở thành Tổng thống Mỹ thứ 46, ông Joe Biden sẽ 'đại tu' nền kinh tế ra sao?

TGVN. Dù không có kinh nghiệm trên thương trường như Tổng thống Donald Trump, chính sách kinh tế của ông Joe Biden được cử tri Mỹ đánh giá khá cao.

Với ông Joe Biden, giành được chiến thắng trong cuộc đua được đánh giá là kịch tính và cạnh tranh nhất trong lịch sử của Mỹ đã rất khó khăn, thế nhưng nhiệm vụ xây dựng đất nước còn khó khăn gấp bội trong bối cảnh hiện nay, khi cường quốc số một thế giới này phải đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng về kinh tế, sức khỏe do đại dịch Covid-19 gây ra, phân biệt chủng tộc, cải cách hệ thống tư pháp và pháp luật, sở hữu súng đạn…

Build Back Better - Xây dựng lại tốt hơn là chủ trương chính sách của ông Joe Biden nếu trở thành Tổng thống Mỹ. (Nguồn: NY Times)
Build Back Better - Xây dựng lại tốt hơn là chủ trương chính sách của ông Joe Biden nếu trở thành Tổng thống Mỹ. (Nguồn: NY Times)

Tuy nhiên, phục hồi nền kinh tế Mỹ, cùng với vấn đề sức khỏe cộng đồng, là những vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất của người dân Mỹ hiện nay. Đây cũng chính là yếu tố có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2020 để họ đưa ra quyết định sẽ đặt niềm tin vào ứng cử viên nào. Và nhờ vậy, ông Biden đã là người được đa số lựa chọn.

Như vậy, rõ ràng dù bị đánh giá là không có thế mạnh về quản lý nền kinh tế đất nước như đương kim Tổng thống Trump - nhà tỷ phú kinh nghiệm dày dặn trên thương trường - thế nhưng những kế hoạch về chính sách kinh tế nhằm phục hồi nền kinh tế nước Mỹ của ông Biden cũng phần nào thuyết phục được cử tri.

Khôi phục kinh tế hậu Covid-19

Khác với chính sách kinh tế của Tổng thống Trump với mục tiêu tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng trong nước và theo đuổi chương trình nghị sự "Nước Mỹ trước tiên”, chương trình hành động của ông Biden sẽ giải quyết tình trạng bất bình đẳng, cung cấp các khoản đầu tư quan trọng cho người dân, hạ tầng cơ sở và môi trường.

Khi trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ông Biden chính là khôi phục ngay lập tức nền kinh tế đang rơi vào cuộc cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái như ông đã cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình.

Theo đó, ông Biden sẽ triển khai kế hoạch đại tu tổng thể nền kinh tế “Build back better” (xây dựng lại tốt hơn) và “Buy Americans” (mua hàng của Mỹ) với cách tiếp cận mới và tập trung ưu tiên hàng đầu vào giải quyết đại dịch Covid-19.

Ngay trong bài phát biểu toàn quốc đêm 7/11 sau khi được truyền thông tuyên bố giành được hơn 270 phiếu đại cử tri, ông Biden đã nhấn mạnh rằng không thể khôi phục nền kinh tế và khiến nước Mỹ lại trở nên tươi đẹp như trước hoặc tận hưởng những khoảnh khắc quý giá nhất của cuộc đời… nếu quốc gia này chưa kiểm soát được đại dịch.

Việc giải quyết đại dịch trong kế hoạch của ông Biden sẽ giúp khôi phục nền kinh tế trong thời gian ngắn hơn bằng cách bảo vệ người lao động khỏi đại dịch, thông qua việc sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để sản xuất nhiều thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) bảo vệ những người lao động cần thiết, kêu gọi xét nghiệm Covid-19 miễn phí cho toàn dân và thúc đẩy nghiên cứu và sản xuất vaccine.

Kế hoạch phản ứng với đại dịch Covid-19 của ông Biden sẽ đảm bảo nghỉ phép vẫn được trả lương đối với những người bị nhiễm Covid-19, hoặc những người đang chăm sóc bệnh nhân Covid-19; giãn nợ đối với các khoản vay dành cho sinh viên liên bang; cung cấp các khoản vay không lãi suất đối với các doanh nghiệp nhỏ đang phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến dịch Covid-19…

Song song với việc giải quyết đại dịch, chính quyền của ông Biden cũng sẽ triển khai các kế hoạch nhằm phục hồi suy thoái, hướng tới tương lai không phát thải khí nhà kính và tạo công ăn việc làm thông qua kế hoạch được tuyên bố là lớn nhất kể từ Thế chiến II với chương trình “Buy Americans”, theo đó sẽ chi 400 tỷ USD để mua các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ.

Đổi mới chính sách

Chính quyền của ông Biden sẽ thực hiện kế hoạch cơ sở kéo dài trong 10 năm, trị giá 1.300 tỷ USD, trong đó bao gồm khoản chi cho chương trình liên bang mới về nghiên cứu và đổi mới năng lượng sạch, hiện đại hóa trường học, sửa chữa đường xá, cầu và đường cao tốc trong năm đầu tiên nắm quyền, cơ sở hạ tầng ở nông thôn và các dự án phục vụ các khu vực nghèo đói.

Để giúp chi trả các khoản lớn, ông Biden sẽ đảo ngược một phần chính sách cắt giảm thuế của Tổng thống Trump nhằm gia tăng doanh thu liên bang thêm 3.300 tỷ USD trong 10 năm bằng cách tăng thuế đối với các công ty và những hộ gia đình có thu nhập cao.

Cụ thể, kế hoạch này sẽ tăng thuế thu nhập cá nhân lên mức cao nhất 39,6%, từ mức 37%; áp thuế an sinh xã hội với người có thu nhập trên 400.000 USD; thuế thặng dư vốn và đánh thuế tối thiểu 15% với thu nhập sổ sách của các công ty lớn. Thuế suất đối với lợi nhuận thu được từ các công ty con ở nước ngoài của các công ty Mỹ sẽ tăng gấp đôi, lên 21%.

Ông Biden cũng sẽ thực hiện tăng hơn gấp đôi mức lương tối thiểu liên bang lên 15 USD một giờ. Ngược lại, các khoản khấu trừ thuế hoặc các khoản tín dụng cho người lao động cao tuổi, gia đình có con và người mua nhà lần đầu sẽ được thực hiện. Điều này nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách cho người lao động chi tiêu nhiều hơn, tăng cả nhu cầu và doanh thu kinh doanh.

Nhiều nhà phân tích nhận định rằng việc thực hiện các chính sách trên sẽ phù hợp để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay bởi chúng giúp các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch. Việc thực hiện thành công các biện pháp trên sẽ giúp mang lại khoảng 11 triệu việc làm và 670 tỷ USD tổng sản phẩm quốc nội hằng năm mà bị mất đi do đại dịch.

Trên trường quốc tế, chính quyền của ông Biden sẽ thực hiện chính sách kinh tế mang tính truyền thống hơn so với Tổng thống Trump, theo đó chuyển hướng sang một cách tiếp cận đa phương đối với thương mại để tạo ra các thỏa thuận mới cùng với việc tăng cường đầu tư để khôi phục vị thế dẫn đầu của Mỹ trong các công nghệ quan trọng.

Thay vì tăng cường các chính sách thuế quan, chính quyền ông Biden sẽ thực hiện một sự thay đổi, hướng trọng tâm vào hợp tác và làm việc với các đồng minh của Mỹ trên toàn cầu để giải quyết tình trạng thừa công suốt và các vấn đề khác. Đây là lĩnh vực mà ông Biden sẽ có cùng quan điểm với Tổng thống Trump khi theo đuổi chính sách kiềm chế với Trung Quốc.

Liệu chính quyền mới của ông Biden có ý định tham gia lại Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay không? (Nguồn: Reuters)
Liệu chính quyền mới của ông Biden có ý định tham gia lại Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay không? (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, cách thức đối phó với Trung Quốc của ông Biden sẽ là hợp tác chặt chẽ với các đồng minh để đưa ra một mặt trận thống nhất trong các tranh chấp thương mại với Trung Quốc. Chiến lược này được đánh giá có thể sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc Tổng thống Trump cùng lúc phát động chiến tranh thương mại với cả châu Âu, Canada, Mexico, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Đối với các hiệp định thương mại, trái ngược với chủ nghĩa bảo hộ thương mại với quan điểm “nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump, chính quyền của ông Biden sẽ coi thương mại là phương tiện để tăng cường mối liên minh giữa Mỹ và các đồng minh, theo đuổi sự thịnh vượng chung, đồng thời có khả năng sẽ xem xét quay trở lại tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Tổng thống Trump đã rút trước đó.

Ngoài ra, chính quyền của ông Biden cũng sẽ tìm cách hợp tác trong các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên hợp quốc (LHQ) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Như vậy, với kế hoạch tổng thể phục hồi nền kinh tế, ông Biden gần như đảo ngược mọi chính sách mà Tổng thống Trump thực hiện trong suốt 4 năm qua. Tuy nhiên để biến kế hoạch thành hành động và đem lại hiệu quả trong việc khôi phục đất nước, ông Biden cũng như chính quyền của mình chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn và thử thách do những bất ổn hiện nay mà nước Mỹ phải đối mặt.

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Kết thúc kiểm phiếu, ông Biden giành 306 phiếu đại cử tri, ông Trump hết đường 'lật ngược thế cờ'

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Kết thúc kiểm phiếu, ông Biden giành 306 phiếu đại cử tri, ông Trump hết đường 'lật ngược thế cờ'

TGVN. Truyền thông Mỹ dự báo ông Joe Biden sẽ 'rộng đường' trở thành tân ông chủ Nhà Trắng, trong bối cảnh cả 50 bang ...

Kết quả bầu cử Mỹ 2020: Vị thế ‘bất an’ của ông Joe Biden

Kết quả bầu cử Mỹ 2020: Vị thế ‘bất an’ của ông Joe Biden

TGVN. Ông Joe Biden đã trải qua một chiến dịch tranh cử mệt mỏi, một cuộc bầu cử khó khăn và giờ ông phải đương ...

Kết quả bầu cử Mỹ 2020: Kiểm phiếu lại, ông Trump 'được ăn cả, ngã càng đau'?

Kết quả bầu cử Mỹ 2020: Kiểm phiếu lại, ông Trump 'được ăn cả, ngã càng đau'?

TGVN. Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng, việc kiểm phiếu lại sẽ giúp ngăn chặn ông Joe Biden trở thành tân Tổng thổng thống ...

(theo TTXVN)